Dù cái tên “nghe có vẻ dài dòng” của tác giả không lạ trong làng văn chương đương đại, đặc biệt với bạn viết ở miền Trung, song khi các tác phẩm xếp chuỗi bên nhau trong một tập truyện, cái “tính cách” truyện ngắn ngay thẳng nhưng nhân văn ấy mới “rõ mồn một”.
“Chốn đào hoa” là cái nhìn trực diện về cuộc sống với lối viết mộc mạc, cách xây dựng tình huống truyện lôi cuốn bởi những kịch tính và phức tạp như chính cuộc sống. 18 truyện ngắn như một bức tranh thu nhỏ về thế giới đầy biến động, âu lo, buồn tủi xen lẫn niềm vui và hy vọng. Qua từng trang viết, mỗi số phận người lại hiện lên với đủ xúc cảm và cả toan tính. Đó là cô gái với ước vọng đi tìm tình yêu đích thực và đôi khi tưởng đã lạc đường bởi sự lựa chọn giàu sang thay vì anh thợ đan giỏ tre mộc mạc, nhưng cuối cùng, thẳm sâu trong tâm khảm cô vẫn tìm về với sự trong trẻo, tình yêu mộc mạc mà quý giá trong cuộc đời mình. Người đọc cũng nhìn thấy những góc khuất của cuộc đời với bao số phận nước mắt nhiều hơn nụ cười và giọt mồ hôi đong đầy từng hạt cơm… Đằng sau những truyện ngắn ấy bao giờ ta cũng thấy chan chứa lòng cảm thông và cả những ước mong nhỏ nhoi mà đáng quý. Tuy nhiên, một phần lớn trong tập truyện được tác giả hướng đến là sự tha hóa của tư cách, nhân phẩm con người. Như tác phẩm lấy làm chủ đề của cả tập truyện kể về một cô gái vì hoàn cảnh xô đẩy, vì khao khát để bố mẹ được ngẩng mặt với thiên hạ mà sa chân vào chồn bùn nhơ. Nhưng sâu thẳm lại là nhân cách cao thượng, tấm lòng vị tha với những số phận bất hạnh xung quanh. Đó là ông tiến sĩ rởm dùng tiền là quyền lực mua danh làm đẹp bản thân, là kẻ hợm mình ỉ vào quen biết, thân thích để bằng mọi cách tiến thân... Ẩn sau những trang truyện tưởng lạnh lùng, dửng dưng là trái tim rung lên những nhịp xót xa và cả những ước vọng về cuộc đời sẽ đẹp hơn, tốt lên. Vì thế, với “Chốn đào hoa” này, rất nhiều người nói rằng tác giả đang tiếp tục mạch nguồn của tập “Người đàn bà sợ mưa” trước đó.