Việc có nhiều người tự ứng cử ĐB Quốc hội đang tạo nên sự quan tâm đặc biệt trong dư luận.
Theo thống kê chưa đầy đủ, hiện số người tự ứng cử ĐB Quốc hội tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, tập trung nhiều ở 2 TP lớn là Hà Nội (47 người tự ứng cử) và TP Hồ Chí Minh (50 người tự ứng cử). Theo nhận xét của nhiều người, đây là tín hiệu tốt, cho thấy không khí xã hội dân chủ và mong muốn đóng góp vào công việc chung của đất nước của người dân. Số người tự ứng cử tăng lên cũng sẽ giúp MTTQ các cấp có thêm nhiều lựa chọn để qua hiệp thương giới thiệu được những người thực sự tiêu biểu vào danh sách ứng cử ĐB Quốc hội và ĐB HĐND các cấp. Như Chủ tịch HĐND TP, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: “Với số lượng 47 người tự ứng cử ĐB Quốc hội tại Hà Nội lần này cũng không phải là quá cao so với số lượng người ứng cử kỳ trước, trong đó cũng có rất nhiều nhân sĩ trí thức tham gia tự ứng cử vì muốn cống hiến cho đất nước”.
Phó Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước là không phân biệt người được giới thiệu ứng cử với người tự ứng cử. Qua hiệp thương lần hai, cả người được giới thiệu ứng cử và người tự ứng cử nếu đủ điều kiện thì được lập danh sách sơ bộ để gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú; với người tự ứng cử thì bước này còn được lấy cả tín nhiệm của cử tri nơi công tác hoặc nơi làm việc. Qua bước này, những người đủ điều kiện sẽ được đưa vào danh sách hiệp thương lần thứ ba. “Quá trình tổ chức hiệp thương, không bao giờ có tư tưởng cho rằng người này được cơ quan, tổ chức giới thiệu thì ưu tiên hơn người kia không được giới thiệu. Tinh thần chỉ đạo là như vậy, tức là chỉ xem xét về chất lượng cùng các điều kiện liên quan, từ hồ sơ lý lịch, ý kiến cử tri nơi người ứng cử làm việc và cư trú, những vấn đề thuộc về nhân thân, những khiếu nại, tố cáo liên quan đến người ứng cử (nếu có)” - ông Pha nhấn mạnh. Đồng thời chỉ rõ, quá trình này được quy định rõ ràng, công khai. Có danh sách chính thức rồi, cử tri sẽ là những người có quyền quyết định ứng viên nào xứng đáng làm ĐB Quốc hội, ĐB HĐND. Ông Pha cũng lưu ý: Về truyền thông thì phải bảo đảm thời lượng tuyên truyền giữa người ứng cử là như nhau. Những người ứng cử cũng cần chú ý không dùng những lợi ích vật chất để vận động ứng cử, mục đích là để đảm bảo có cuộc bầu cử công bằng.
Trước con số thống kê về tỷ lệ tự ứng cử trúng cử tại Quốc hội Khóa XI là 2 người trúng cử, Khóa XII là 1 người trúng cử; Khóa XIII, số người tự ứng cử là 83, trong đó 4 người trúng cử đều là doanh nhân (nhưng sau đó một người bị bãi nhiệm tư cách ĐB do vi phạm pháp luật), có ý kiến cho rằng, những người tự ứng cử không có nhiều cơ hội trúng cử, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam Vũ Trọng Kim khẳng định: Không có rào cản gì đối với những người tự ứng cử. Còn việc trúng cử hay không, vấn đề này phụ thuộc vào các yếu tố: Một là có thỏa mãn đủ 5 tiêu chuẩn làm ĐB Quốc hội theo quy định của pháp luật để người dân lựa chọn hay không? Thứ hai là tấm gương trong đời sống thực tế như thế nào? Thứ ba, có quyết tâm thực hiện chương trình hành động đã hứa trước cử tri hay không và có thực sự mong muốn đem lại lợi ích chính đáng cho mọi người dân hay không?
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo chia sẻ: “Những người được giới thiệu ứng cử đã được sàng lọc rất kỹ, thường đã được quy hoạch và có hướng bồi dưỡng đào tạo. Còn với những người tự ứng cử, quá trình sàng lọc, lựa chọn mới chỉ đối chiếu với tiêu chuẩn chung, chứ chưa có sự cạnh tranh với những người cùng ứng cử khác, nên tỷ lệ trúng cử thấp hơn là điều dễ hiểu”.
Thực tế cũng cho thấy, rất nhiều người tự ứng cử không qua được vòng “sát hạch” là hội nghị cử tri nơi cư trú chỉ vì ít được biết đến và ít tham gia các hoạt động tại khu dân cư nơi mình sinh sống, không biết chi bộ, tổ dân phố, ban công tác mặt trận ở đâu; bản thân và gia đình thiếu gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật. Theo quy định, dưới 50% ý kiến cử tri không đồng tình là một trong những căn cứ để hội nghị hiệp thương lần thứ ba loại ra khỏi danh sách.