Mới xong việc, chưa xong chuyện

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Quốc hội mới được bầu của Anh với đa số áp đảo đã bước đầu thông qua thỏa thuận đạt được giữa chính phủ Anh và EU về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Tuy vẫn còn phải qua một lần biểu quyết nữa ở Hạ viện và còn phải được phê chuẩn ở Thượng viện, thỏa thuận này vẫn có thể được coi là đã qua được cửa ải khó khăn nhất bởi cả 2 lần phê chuẩn thông qua còn lại chỉ là chuyện hình thức.

Với kết quả này, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã làm được việc mà người tiền nhiệm, bà Theresa May, không làm được. Vì chuyện Brexit mà 2 người tiền nhiệm của ông Johnson phải từ chức, trong khi bản thân nó lại đưa ông Johnson đến với đỉnh cao của quyền lực và còn được hợp pháp hóa quyền lực ấy bằng lá phiếu bầu của cử tri.
Ảnh: Reuters

Với kết quả thông qua mới, trong Quốc hội Anh, việc nước Anh ra khỏi EU chậm nhất vào ngày 31/1/2020 giờ đã chắc chắn. Chuyện Brexit với nội hàm là đưa nước Anh ra khỏi EU như vậy sẽ hoàn tất vào ngày 31/1/2020, chấm dứt 47 năm thành viên EU của nước Anh. Nhưng nếu Brexit còn hàm chứa cả những vấn đề đặt ra cho nước Anh sau khi chính thức ra khỏi EU thì nước Anh mới chỉ làm xong được một việc trong chuyện Brexit chứ chưa xong chuyện Brexit.
Mùa hè năm 2016, đa số rất mong manh cử tri Anh trong cuộc trưng cầu dân ý đã ủng hộ việc nước Anh ra khỏi EU. Có thể thấy ở kết quả trưng cầu dân ý ấy mức độ phân rẽ rất sâu sắc trên chính trường và trong nội bộ xã hội ở Anh. Trong thời gian từ đó đến nay, cử tri Anh đã phải 3 lần đi bầu cử Quốc hội vì Chính phủ và Quốc hội không xử lý xong dứt điểm và ổn thỏa chuyện Brexit.
Thủ tướng Anh David Cameron từ chức vì kết quả nói trên của cuộc trưng cầu dân ý. Bà May từ chức vì Quốc hội Anh 3 lần bác bỏ kết quả đàm phán của Chính phủ của bà với EU về Brexit. Vì thế mới có cửa cho ông Johnson trở thành thủ lĩnh Đảng Bảo thủ và đi qua cửa sau này để trở thành Thủ tướng Anh.
Ai cũng biết quan điểm của ông Johnson là thực hiện Brexit bằng mọi giá, tức là bất kể với thỏa thuận (Brexit mềm) với EU hay không với bất kỳ thỏa thuận nào (Brexit cứng) với EU về Brexit. Vì thế, cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi ở Anh trong thực chất cũng có thể được coi như cuộc trưng cầu dân ý thứ 2 nhưng không chính thức về Brexit.
Thắng cử vang dội của Đảng Bảo thủ và ông Johnson cho thấy cử tri Anh mong muốn giải quyết chuyện Brexit dứt điểm nhanh chóng và theo kiểu nào cũng được. Họ không còn quan tâm đến việc lựa chọn giữa Brexit cứng hay Brexit mềm nữa mà chỉ muốn việc Brexit được làm xong và họ tin rằng ông Johnson có thể làm xong được việc ấy trong khi không tin tưởng tất cả các chính trị gia khác trên đảo quốc.
Thủ tướng Anh Boris Johnson. Ảnh: CNN

Ông Johnson mưu tính quyền lực rất chu toàn, nhưng cũng phải khách quan để nói rằng người này gặp may và nói rằng may hơn khôn thì quá đáng nhưng cũng không đến nỗi hoàn toàn bị sai nhiều, sau khi gây dựng được địa lợi thì đã tận dụng được cả thiên thời và nhân hòa. Với ông Johnson, Đảng Bảo thủ đã có được đúng người ở đúng chỗ vào đúng thời điểm trong khi Công đảng Anh với thủ lĩnh đảng, ông Jeremy Corbyn, thì hoàn toàn ngược lại - không đúng người, không đúng chỗ và không đúng thời.
Chuyện Brexit chưa thể xong đối với nước Anh và ông Johnson vì ông Johnson chủ ý và Quốc hội Anh cũng đã quyết là phía Anh sẽ không kiến nghị EU gia hạn thời gian quá độ - hiện được thỏa thuận là cho đến cuối tháng 12/2020 - cho nước Anh. Như thế có nghĩa là phía Anh chỉ có thời gian đến cuối năm 2020 để đàm phán và thỏa thuận với EU về khuôn khổ quan hệ giữa hai bên sau Brexit, đặc biệt về hiệp định thương mại tự do và liên minh thuế quan.
Cả hai nội dung này liên quan trước hết và nhiều nhất tới Bắc Ireland. Nếu hai bên trong khoảng thời gian ấy không đạt được thoả thuận liên quan thì bản chất của Brexit mà bây giờ cho là Brexit mềm sẽ trở thành Brexit cứng. Xứ Scotland muốn tiến hành một lần nữa cuộc trưng cầu dân ý về độc lập riêng cho xứ này. Bắc Ireland sẽ không để cho ông Johnson và phần còn lại của nước Anh được an và yên nếu xảy ra kịch bản Brexit cứng.
Với đa số hiện có của Đảng Bảo thủ trong Quốc hội, ông Johnson có thể cầm quyền theo ý mình và chủ động vận hành chuyện Brexit nhưng để duy trì quyền lực thì không thể không lưu ý đến việc tâm lý của cử tri rồi đây sẽ nhanh chóng bị tác động không còn bởi mong muốn xử ký dứt điểm nhanh chóng việc Brexit mà chuyển sang bởi tương lai của nước Anh và cuộc sống thường nhật của họ bị tác động và thay đổi như thế nào sau Brexit.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần