KTĐT - Mấy năm nay, cùng với sự phát triển của điều kiện sống (thu nhập cao hơn, nhà cửa rộng rãi hơn), người dân thành phố có thú chơi đào rừng mỗi khi Tết đến.
Kể cũng hay, khi trong ngôi nhà ngày Tết, bên bộ bàn ghế gỗ kiểu cổ hay salon hiện đại ở góc tường nhà có một cành đào thân xù xì đẫy những địa y mốc trắng nở những bông hoa rừng thật hoang dã. Tôi đã từng không ít lần lượn vòng quanh chợ hoa nhà Kèn Hải Phòng ngất ngây trước vẻ đẹp hoang sơ của đào rừng mà thích thú.
Năm nay, ngay từ Tết ông Táo, tôi đã lượn qua vườn hoa Y- éc- xanh, lên đường Lạc Long Quân tìm xem đào rừng. Ở đường Y- éc- xanh (đoạn gần Viện Vệ sinh dịch tễ có bày những cành đào bó gọn đưa từ Sapa hay Lạng Sơn về. một gốc đào to bằng bắp chân, cành đầy nụ được người bán “hét” giá 6 triệu đồng. Cái giá ấy thì người như tôi hẳn không dám mua vì còn những nhu cầu khác cần hơn. Nhưng quả thật năm nay đào rừng khá đắt. Những cành đào rừng nhỏ cao cỡ 3m, thân to chưa đầy cổ tay mà cũng được rao giá 1,5 triệu đồng. Đoạn gầm cầu Long Biên có 6- 7 cây đào to được chặt sát gốc, cành tỏa rộng. Giá mỗi cây không dưới 5 triệu đồng. Cái vẻ ngoài hoang sơ ở chốn kinh kỳ kể cũng hay. Nhưng rõ ràng đào rừng là thứ nhằm để cho giới có nhà rộng, tiền dư chơi Tết. Tôi được một ông lão cũng đi ngắm đào chép miệng than vãn: Để được một cành đào rừng, họ phải chặt một cây trên rừng thì còn gì những cánh rừng đẹp mê hồn trên Sapa, Tây Bắc.
Tôi giật mình, nhớ tới những thông tin mà trước đó đọc được. Nào là chỉ trong 2 ngày một tay buôn đào rừng ở Sapa đã gom được 700- 800 cành để đưa về xuôi. Một tay buôn còn vậy, nếu vài trăm tay buôn thì còn gì là rừng. Bất chợt những hình ảnh miền Trung ngày lũ, bao nhà cửa bị tàn phá, bao mạng người bị lũ cuốn mà nguyên nhân chính là những cánh rừng miền Tây bị chặt phá. Nếu những cánh rừng đào bị chặt phá, triệt hạ để phục vụ một thú chơi của một nhóm người nào đó thì trước mắt còn đâu những rừng đào đẹp cho du khách thưởng ngoạn, cho các nhà nhiếp ảnh sáng tạo những những ảnh tuyệt đẹp, cho các họa sỹ có cảm hứng vẽ lên những bức tranh muôn đời. Lâu dài hơn, lấy đâu cây rừng ngăn lũ xói, lũ quét.
Trước đây, ngày Tết không thể không đốt pháo. Nhưng rồi để ngăn ngừa tai nạn vì tệ đốt, ném pháo bừa bãi Nhà nước đã cấm đốt pháo và đến nay không còn đốt pháo. Ngày Tết cũng chẳng vì thế mà kém vui.
Nay, có lẽ cũng nên cấm chơi đào rừng để giữ cho những rừng đào không chỉ đẹp mà còn bảo vệ môi trường, ngăn chặn thiên tai. Không có đào rừng đã có đào vườn, đã có hoa kỳ thảo dị khác làm đẹp ngày Tết. Không có cầu sẽ không có cung, cấm chơi đào rừng sẽ chẳng ai chặt rừng đào nữa. Xem ra, cái lợi cái hại của việc chơi đào rừng đã rõ. Nên chăng thị trường hoa Tết thành phố bớt đi loại hoa hoang dã để bảo vệ những vẻ đẹp kia cho muôn đời và bảo vệ cuộc sống cho muôn người. Nếu có chủ trương như thế hẳn ai mê chơi đào đá, đào rừng cũng ủng hộ.