KTĐT - Chị Ngát cho biết thêm đây là điểm thi khối H dành cho các thí sinh (TS) thi vào khoa Mỹ thuật công nghiệp. Buổi sáng con chị đã hoàn thành môn Văn, chiều thi Hình họa, sáng hôm sau môn thi cuối cùng Bố cục màu có thời gian là… 300 phút.
Trong khi phần đông các sĩ tử thi ĐH, CĐ đã xả hơi sau một kỳ thi vất vả, vẫn còn nhiều thí sinh khác đang tiếp tục phải gồng mình với môn thi năng khiếu không kém phần căng thẳng.
Môn 30 phút, môn 300 phút
Ngồi trước cửa điểm thi của Viện ĐH Mở Hà Nội tại trường THPT Việt Đức từ đầu giờ chiều, chị Nguyễn Thị Ngát đến từ Hải Dương xem giờ và nhẩm tính: Thời gian thi môn Hình họa 270 phút là 4 tiếng rưỡi, giờ thi bắt đầu tính từ 2 giờ, vậy khoảng 6 rưỡi chiều cháu sẽ thi xong.
Chị Ngát cho biết thêm đây là điểm thi khối H dành cho các thí sinh (TS) thi vào khoa Mỹ thuật công nghiệp. Buổi sáng con chị đã hoàn thành môn Văn, chiều thi Hình họa, sáng hôm sau môn thi cuối cùng Bố cục màu có thời gian là… 300 phút. Bên ngoài, nhiều ông bố bà mẹ còn mang theo đồ ăn để lót dạ khi đến bữa. Còn các TS cũng được cho phép mang theo đồ ăn nhẹ và có thể xin phép giám thị ra ngoài phòng để ăn uống. Tuy nhiên, hầu như các em chỉ ra để uống sữa vì còn tranh thủ thời gian làm bài.
Thế nhưng có những môn thi năng khiếu lại tốn rất ít thời gian, “bài thi” của TS Trần Thị Thu, Thái Bình, thi vào khoa Giáo dục mầm non của trường ĐH Sư phạm Hà Nội, chỉ vỏn vẹn có 30 phút kể cả thời gian chuẩn bị. Thu cho biết: Môn thi năng khiếu của em là kể chuyện. Em bốc thăm được đề có yêu cầu kể câu chuyện “Chú Bồ nông”, em đã hơi hồi hộp nên diễn đạt không tốt như khi luyện tập ở nhà. Tuy nhiên: “Có rất nhiều bạn thậm chí còn không thể cất lời, lúng túng mãi, cuối cùng phải kết thúc mà không được điểm nào”, cô kể lại.
Môn thi đặc biệt nên việc tổ chức cũng có nhiều nét khác biệt so với các môn thi bình thường. Với môn Hình họa, TS phải vẽ với mẫu là một bức tượng hoặc người mẫu để trên bục giảng nên các em thường ngồi khá cao và quây thành hình vòng cung quanh mẫu thay vì ngồi theo số báo danh tại từng bàn, từng chỗ ngồi. Khi thi các môn chung, TS hầu như không được phép mang gì ngoài những dụng cụ viết, vẽ tối thiểu, thì các TS thi năng khiếu ở các trường ĐH Kiến trúc, ĐH Mỹ thuật … lại lủng củng đủ thứ: giá vẽ, dây rọi, que đo, hộp màu…
Tại các điểm thi của trường ĐH Văn hóa, nếu không biết trước, nhiều người dễ lầm có hội diễn nào đó vì các TS hóa trang, ăn mặc như diễn thật với đủ loại đạo cụ, váy áo, cờ, quạt, nón quai thao…
Đặc thù nhưng vẫn phải bảo đảm quy chế
Có phần đặc thù, song việc chuẩn bị cho thí sinh dự thi vẫn phải bảo bảo đảm đáp ứng các quy định khắt khe chung của kỳ thi tuyển sinh - Đại diện các trường có tổ chức thi năng khiếu cho biết. Ví dụ như các bức tượng dùng làm mẫu được giữ bí mật nghiệm ngặt. Về công tác coi thi, yêu cầu bắt buộc là phải có ít nhất một giám thị có chuyên môn để xử lý các vấn đề kỹ thuật, ví như phải bảo đảm ánh sáng đồng nhất cho mẫu trong suốt thời gian thi có thể kéo dài từ trưa cho tới tối mịt.
Thông thường, các ngành nghề, các trường yêu cầu năng khiếu đều ít nhiều liên quan đến nghệ thuật, diện TS thi vào thường hẹp. Tuy nhiên sẽ là không chính xác khi cho rằng các TS đều là con nhà nòi hoặc các cậu ấm, cô chiêu nơi thành thị, con nhà khá giả. Ông Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng trường CĐ Múa Việt Nam cho biết, xu hướng gần đây ngày càng ít học sinh thành phố thi vào trường. Số lượng học sinh, sinh viên trong trường hiện nay chiếm đa số là người ngoại tỉnh.
Còn theo đại diện Viện ĐH Mở, có khá nhiều TS đến từ các tỉnh vùng sâu, vùng xa. Trường đã từng cộng điểm ưu tiên tối đa về khu vực cho một vài TS. Như vậy có thể thấy cơ cấu TS là khá đa dạng”. Điểm chuẩn khoa Mỹ thuật công nghệ của Viện Mở khá cao, từ 36 đến 38/ 40 điểm (môn năng khiếu hệ số 2). Những ngành mũi nhọn liên quan đến mỹ thuật hiện nay được coi là khá “hot” là thời trang, nội thất, đồ họa… vì xin việc khá dễ dàng. Các nhà tuyển dụng thậm chí còn “săn” nhân tài ngay tại lễ bảo vệ luận văn tốt nghiệp của sinh viên.
Tại trường CĐ Múa Việt Nam, theo ông Nguyễn Văn Quang, dù năm nay, hệ CĐ chỉ có hơn 50 thí sinh thi vào trường nhưng mọi thủ tục tổ chức thi vẫn phải đảm bảo theo quy chế của Bộ GD&ĐT, từ thành lập các hội đồng, các ban chấm thi, ban đề thi, ban thư ký… Cũng theo ông Quang, thí sinh thi năng khiếu cũng phải chịu những áp lực, căng thẳng không kém các môn thi ĐH, CĐ khác. Thí sinh học trường CĐ Múa VIệt Nam phải trải qua 6 năm mới học xong hệ trung cấp, thêm 3 năm nữa mới hoàn thành bậc cao đẳng