Giới chuyên môn cho rằng, thuốc kháng sinh liều cao để chữa tận gốc bệnh này không gì khác là chế tài xử phạt đủ sức răn đe. Vấn nạn nhiều năm Mới đây, ca khúc “Chúng ta không thuộc về nhau” của Sơn Tùng M-TP vừa ra mắt đã dính nghi án đạo nhạc “We don't talk anymore” của ngôi sao người Mỹ Charlie Puth. Dù chưa có kết luận cuối cùng, nhưng nhiều người quả quyết ở ca khúc này, 99% là Sơn Tùng “mượn” ý tưởng. Trước đó, “Cơn mưa ngang qua” và “Nắng ấm xa dần” của ca sĩ sinh năm 1994 này cũng từng đạo nguyên 2 bài “Sarangi Mareul Deutjianha” của Namolla Family và “Monologue” của As One. Đáng buồn là ngay cả nhạc sĩ nổi tiếng như Bảo Chấn cũng dính nghi án đạo nhạc khi ca khúc “Tình thôi xót xa” giống “Frontier” của Keiko Matsui.
Không riêng âm nhạc, tác quyền hội họa, nhiếp ảnh cũng trở thành vấn nạn nhiều năm nay. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho biết, sau năm 1990, thị trường tranh Việt Nam phát triển mạnh, các họa sĩ, nhà sưu tập chủ yếu sống nhờ vào buôn bán tranh của các họa sĩ lớn. Vì lợi nhuận, nhiều người thuê chép lại tranh, thậm chí nhiều nghệ sĩ nổi tiếng cũng tự chép tranh của mình và người khác. “Đến mức, một nhà phê bình nghệ thuật phương Tây phải thốt lên: “Khi còn sống, ông Phái vẽ nhiều bao nhiêu, thì khi mất đi, ông ấy còn vẽ nhiều hơn thế”” - họa sĩ Phan Cẩm Thượng chia sẻ. Ông cho biết thêm, đa số người chép tranh đều đề tên đúng tác giả, nhưng có những người “trơ tráo” hơn, sau khi hoàn thành bản sao lại ghi tên mình rồi thản nhiên “Đó là tranh tôi vẽ”. Bên cạnh đó, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Hồng Định – Chánh Văn phòng Hội NSNA Việt Nam còn cho rằng, sự ra đời của mạng xã hội khiến việc xâm phạm tác quyền ảnh trở nên rất dễ dàng, phổ biến. Nhiều tác phẩm còn bị mạo danh, tự ý xuất bản, in ấn, sửa chữa cắt xén, sử dụng không trả nhuận bút. Thậm chí, nhiều tác phẩm còn được trưng bày tại các triển lãm, truyền đạt qua mạng truyền thông hoặc phương tiện kỹ thuật số. Cá biệt, nhiều tác phẩm còn bị cố ý xóa bỏ, thay đổi thông tin quản lý dưới hình thức điện tử có trong tác phẩm. Trong năm 2015, Hội NSNA Việt Nam đã khai trừ một hội viên vì vi phạm bản quyền, và hiện đang tiếp tục xử lý vụ việc vi phạm bản quyền của 2 nhiếp ảnh gia nổi tiếng. Dẫu vậy, những xử phạt, thụ lý sai phạm… đến nay cũng chỉ như “muối bỏ biển”. Hãy là người nghệ sĩ tử tế Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Hội NSNA, Hội Mỹ thuật và các hội nghệ sĩ khác cần có một tổ chức bảo vệ tác quyền cho hội viên của mình. Bởi hiện nay, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam do ông làm Giám đốc có quá nhiều việc phải làm. Ngay như nghi án đạo nhạc của Sơn Tùng đang rất ồn ào, nhưng vị này thẳng thắn cho hay là không biết, chưa nghe ca khúc và không được giao thẩm định. Nhạc sĩ Phó Đức Phương cho rằng, Bộ VHTT&DL, Cục Bản quyền, Hội Nhạc sĩ phải lên tiếng và xử lý tình trạng đạo nhạc hiện nay. Đồng thời, người nghe, người xem phải lên án những tác phẩm sao chép, ăn cắp. Bởi đã đạo nhạc, đạo ý tưởng tức là đi ăn cắp mà lại được tôn vinh, đề cao thì đó là một hiện tượng đáng buồn cho xã hội. Khi khán giả không biết đâu là thật, đâu là giả thì vô cùng nguy hiểm. Họa sĩ Bùi Hoài Mai cũng không giấu: “Chính tôi cũng là nạn nhân của rất nhiều vụ ăn cắp ản quyền”. Tuy nhiên, để giải bài toán kêu oan mất quá nhiều thời gian, công sức, tiền bạc, trong khi cuộc sống còn rất nhiều việc phải làm, họa sĩ này cho rằng, nghệ sĩ đừng đánh mất nhiều năng lượng vào những cuộc chạy đua đòi bản quyền. Hãy dành thời gian cho sáng tạo, làm ra những tác phẩm tử tế, mang bản sắc riêng. Khi đó, người mua sẽ tự tìm đến các tác giả chân chính, có tầm, vì họ mua tác phẩm tức là mua đời sống tinh thần của người nghệ sĩ, mà đời sống tinh thần thì không ai có thể sao chép được. Đó cũng chính là cách tự bảo vệ tác quyền của chính mình. Đồng tình với quan điểm này, nghệ sĩ nhiếp ảnh Tạ Quang Bảo cho rằng, trong khi các tác phẩm nhiếp ảnh đang bị sao chép một cách trắng trợn mà vẫn chưa có những chế tài xử lý triệt để thì có lẽ các nghệ sĩ chỉ còn một cách duy nhất là tự phòng ngừa. “Cách tôi bảo vệ tác quyền của mình là làm ảnh từ A - Z, kể cả khâu rửa ảnh, làm khung. Trên mỗi bức ảnh, tôi đều có dấu, chữ ký, ngày tháng, địa điểm chụp ảnh” - nghệ sĩ Tạ Quang Bảo đưa ra giải pháp. Dù mỗi nghệ sĩ có những quan điểm khác nhau về vấn đề bảo vệ tác quyền, nhưng hầu hết đều cho rằng, Việt Nam đang thiếu một “nhạc trưởng” có tầm, thiếu chế tài xử phạt đủ sức răn đe như một loại kháng sinh liều cao để triệt tiêu vấn nạn này.q
Khách xem triển lãm ''Những bức tranh trở về từ châu Âu''. |
Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Hồng Định: Giáo dục đạo đức để phòng nạn vi phạm tác quyền Trong bối cảnh các tác phẩm nghệ thuật bị xâm hại bản quyền ngày càng phổ biến và nghiêm trọng, Nghệ sĩ Nhiếp ảnh (NSNA) Hồng Định - Chánh Văn phòng Hội NSNA Việt Nam cho rằng, công tác quản lý, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật và giáo dục đạo đức cho các nghệ sĩ và cộng đồng cần được chú trọng hơn. Dường như khi công nghệ thông tin, đặc biệt là sự bùng nổ các trang mạng xã hội khiến tác quyền nhiếp ảnh dễ bị xâm phạm hơn trước, thưa ông? - Nhiếp ảnh trong những năm trở đây lại đây phát triển vô cùng mạnh mẽ bởi sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, phần mềm, tin học… Thế nhưng, cùng với thành tựu mà nhiếp ảnh mang lại, thì vấn đề bản quyền lại trở thành vấn nạn mà các nhà nhiếp ảnh đang phải đối mặt. Đa phần các tác phẩm nhiếp ảnh được sử dụng với mục đích tích cực, tuy nhiên cũng còn không ít hiện tượng sử dụng các tác phẩm với mục đích vụ lợi. Ở đó, cũng có nguyên nhân là bên sử dụng chưa nhận thức đúng về vấn đề vi phạm bản quyền. Mặt khác, vấn đề bản quyền cũng có lúc bị chính các nghệ sĩ xem nhẹ. Chẳng hạn, tại Hội chợ Nhiếp ảnh Việt Nam 2016 - một hoạt động nhằm giới thiệu tác phẩm và tuyên truyền về bản quyền, thì ngay trên ảnh trưng bày lại thiếu tên tác phẩm – tác giả. Nếu như vấn nạn vi phạm bản quyền nghệ thuật nói chung vẫn đang loay hoay tìm lời giải, thì chuyện đạo ý tưởng, lạm dụng photoshop trong nhiếp ảnh cũng đang khiến giới làm nghề đau đầu? - Đúng vậy! Đây là vấn đề nghiêm trọng, bởi việc sao chép ý tưởng khiến tác phẩm bị kém giá trị. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của nhiều vụ đạo ý tưởng, nhưng rất khó để xử lý vì thuộc về phạm trù đạo đức. Mỗi ngày có hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh ra đời, mỗi năm có hàng trăm cuộc thi nhiếp ảnh các cấp độ được tổ chức. Ban giám khảo phải là người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm, nên thường lớn tuổi, song cũng vì thế mà có vị bị hạn chế về khả năng sử dụng công nghệ thông tin. Do đó, tại một số cuộc thi, Ban tổ chức còn để lọt tác phẩm sao chép, lắp ghép. Hàng năm, Hội NSNA Việt Nam tổ chức trại sáng tác, tập huấn, bồi dưỡng, định hướng sáng tác cho đội ngũ làm chuyên môn, song việc loại bỏ hoàn toàn lạm dụng photoshop rất nan giải. Nhiếp ảnh nghệ thuật đang hướng tới 2 loại hình: Đề cao xu thế chụp ảnh nguyên gốc, đảm bảo tính chân thực; Tạo sân chơi riêng cho ảnh có sử dụng phần mềm để sáng tạo theo tư duy của tác giả. Vậy, nghệ sĩ cần làm gì để bảo vệ đứa con tinh thần của mình? - Trong bối cảnh hiện nay chưa thể xử lý triệt để vấn nạn vi phạm bản quyền, thì tác giả cần tự phòng ngừa. Tác giả nên chú ý vấn đề bản quyền khi giao nhận, công bố, cho tặng, tham gia gửi file ảnh đăng tải trên các trang mạng xã hội. Công bố tác phẩm và thông tin ảnh qua các trang web cá nhân hoặc trang web có uy tín; Đảm bảo các thông tin về bản quyền của mình gắn với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm và chỉ đăng tải ảnh có dung lượng nhỏ khi tham gia các trang mạng xã hội để tránh bị vi phạm bản quyền... Việc công bố, giới thiệu tác phẩm qua những cuộc thi, triển lãm, hội chợ cũng là một kênh giới thiệu tác phẩm và xác lập bản quyền. Bên cạnh đó, đề nghị các tổ chức chuyên môn, nghề nghiệp mà tác giả tham gia giúp đỡ để nhờ các công ty luật tư vấn khi có vi phạm và tranh chấp về bản quyền. Còn các cơ quan quản lý Nhà nước, thưa ông? - Hiện nay, chúng ta đã có Cục Bản quyền tác giả, địa phương là Sở VHTT&DL sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ thủ tục đăng ký bản quyền, tư vấn khi có tranh chấp. Nhưng tác giả cũng cần chú trọng về bản quyền cũng như chủ động đề nghị giải quyết khi có vi phạm. Mặt khác, cơ quan quản lý Nhà nước cần quyết liệt hơn trong việc bảo vệ các tác giả bị vi phạm bản quyền. Bên sử dụng tác phẩm cần tôn trọng và đảm bảo vấn đề bản quyền tác giả theo quy định. Cùng với đó, các hội nghề nghiệp, câu lạc bộ nhiếp ảnh cần có tiếng nói bảo vệ tác quyền của hội viên. Để giảm thiểu vấn nạn vi phạm tác quyền hiện nay, các tác giả, bên sử dụng tác phẩm nhiếp ảnh cần nói không và kiên quyết với những hiện tượng vi phạm bản quyền. Xin cảm ơn ông!
Hồng Hạnh thực hiện |