Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mong ước của những chứng nhân lịch sử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những người Hà Nội đã từng chứng kiến ngày Độc lập của 70 năm về trước giờ không còn nhiều. Lễ diễu binh hoành tráng năm nay có thể là kỷ niệm cuối cùng trong cuộc đời họ…

Vì thế, ký ức và nhận định của những chứng nhân lịch sử của ngày Độc lập đầu tiên càng trở nên quý giá.

Tết Độc lập với chén chè hoa ngâu

Thành tựu của Cách mạng Tháng Tám mang nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, cảm nhận của những người Hà Nội bình thường, sống qua 70 năm độc lập mới thực sự là những đánh giá và mong muốn chân thực nhất về những đổi thay của Thủ đô. Cụ Quách Thị Gái, ngõ Phất Lộc (quận Hoàn Kiếm) giờ đã là một "di sản" bên Tháp Rùa yêu dấu, cụ là người suốt từ năm 1954 đến nay lo thức ăn cho cá Hồ Gươm. Hình ảnh bà cụ nhỏ nhắn mỗi buổi chiều mang vụn bánh mỳ đến chân cầu Thê Húc để nuôi cá Hồ Gươm đã xuất hiện cả trên báo chí quốc tế. Là người phố cổ, bán hàng quà rong cả đời ở Hà Nội, cụ Gái là một cuốn sử Hà Thành đầy những "ghi chép" tỉ mỉ. Sau lễ diễu binh hoành tráng kỷ niệm 70 năm Độc lập, đến thăm, cụ chỉ bảo: "Nhà báo hả? Trước năm 1945, tôi hay bán hàng quà ngay sát chỗ báo Truyền Bá đấy. Cái báo của ông Nguyễn Đình Long, cứ gọi là Long "béo"". Báo Truyền Bá của ông Vũ Đình Long làm chủ bút, ông Vũ Bằng làm Thư ký Tòa soạn ấy đã đóng cửa từ hồi Nhật - Pháp đánh nhau năm 1945.
Bà Quách Thị Gái. Đại tá Phạm Phú Bằng.
Bà Quách Thị Gái.                                                                Đại tá Phạm Phú Bằng.
Là người bán hàng quà vặt trên phố Hà Nội, chưa biết đến cách mạng, khi bán hàng trên phố, vào những ngày cách mạng sôi sục ấy, vợ chồng ông bà chỉ mong ước cách mạng sẽ làm nhà mình bớt nghèo hơn, có nhiều cái ăn hơn. Vợ chồng cụ thành gia thất năm 1944, khi ấy cụ Gái 21 tuổi, cụ Mẩu là chồng bà ngoài 40. Vợ bán hàng quà, chồng làm phu hỏa xa, có con cái vào rồi, còn nghèo lắm, cụ Gái kể: "Hồi ấy sao mà nó nghèo đến thế, vợ chồng cứ làm quần quật mà cơm chả có mà ăn. Ông Mẩu nhà tôi tốt nết, đi làm về, ăn cơm độn sắn, khoai cũng xong nhưng được chén trà ướp hoa ngâu là sướng nhất nhất trần đời. Ông ấy mất năm 1965, từ đó mỗi độ mùng 2/9 tôi lại ghé đền Ngọc Sơn hái ít hoa ngâu về ủ trà thắp hương cho ông ấy" .

Sống qua nạn đói năm 1945 với người chết đói đầy đường, sống qua thời bom Mỹ tàn phá Thủ đô, sống qua thời bao cấp đằng đẵng coi bán hàng quà là tiểu thương dễ bị nhốt vào đồn công an, cụ Gái bảo: "Hà Nội giờ sướng quá! Ông Mẩu chồng tôi giá mà sống đến giờ mà hưởng phúc thì hay". Ngày Độc lập năm nay, cụ Gái vẫn theo thói quen nhờ chị giúp việc tên Tiến đưa ra đền Ngọc Sơn hái hoa ngâu về ủ trà thắp hương chồng. Cụ Gái giờ ra đường chỉ sợ đông, cụ bảo: "Giờ có nhiều người các tỉnh lên Hà Nội tìm việc làm quá. Giá có cách nào để người dân các tỉnh khác giầu lên thì Hà Nội đã chả chật như bây giờ".

Sứ mệnh của một đầu tàu

Nhà báo, đại tá Phạm Phú Bằng, nguyên cán bộ báo Quân đội nhân dân đã gần 90 tuổi nhưng ông liên tục có những chuyến đi xa làm từ thiện tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhà báo Phạm Phú Bằng thuộc lớp phóng viên đầu tiên của báo Quân đội nhân dân, là thành viên quan trọng của tòa soạn tiền phương của báo Quân đội nhân dân tại mặt trận Điện Biên Phủ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Tết Độc lập năm nay ông lại về Thủ đô ngắm Hà Nội, nơi không phải quê hương nhưng là nơi ông dành trọn tình yêu thương. Cụ nội đại tá Bằng là Thượng Thư Phạm Phú Thứ, dưới triều Nguyễn là nhà canh tân đất nước với những ý tưởng táo bạo và khoa học. Cha ông là Tiến sỹ Phạm Phú Tiết - Tổng đốc Bình Phú, sau Cách mạng Tháng Tám được Bác Hồ phong cấp Đại tá Quân đội, Chánh án Toà án Quân sự miền Nam. Năm 1945, khi nạn đói cướp đi bao sinh mệnh dân nghèo, ông Bằng cùng mẹ nấu cháo cứu đói nhưng nồi cháo quá nhỏ, người chết đói quá nhiều nên dù dòng thế phiệt, trâm anh nhưng ông Bằng cảm nhận được tường tận sự kinh khủng của đói nghèo. Là sĩ quan quân đội nên quan điểm về cân bằng kinh tế của ông Bằng rất rõ ràng, ngồi cùng ông xem trong lễ diễu binh, ông thẳng thắn: "Hà Nội giờ đẹp giàu hơn. Kinh tế Hà Nội có sự phát triển vượt bậc trong những năm gần đây. Gắn bó với những vùng trũng đói nghèo khắp mạn Tây Bắc, Đông Bắc nên tôi cảm nhận được hết sự phát triển thần kỳ của kinh tế Thủ đô. Cảm nhận sự phát triển của Hà Nội, tôi cũng thấy được sự chênh lệch kinh tế của Thủ đô với các tỉnh khó khăn ngày càng nới rộng. Tôi chỉ ao ước, Hà Nội cùng với sự phát triển của mình sẽ ngày càng mở rộng, củng cố các mối quan hệ kinh tế với những vùng khó khăn trên cả nước, qua đó làm đầu tàu, giúp đẩy mạnh kinh tế của những vùng khó khăn, để trên cả nước không còn người nghèo".

Sinh thời, Hồ Chí Minh có một niềm đau đáu, niềm đau đáu ấy 70 năm qua vẫn luôn là một nhiệm vụ thường trực: "Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì. Dân chỉ hiểu được giá trị của tự do, độc lập khi dân được ăn no mặc đủ". TP Hà Nội giờ không chỉ phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu phát triển kinh tế Thủ đô mà còn phải mang sứ mệnh đầu tàu, để người dân cả nước hiểu và hưởng hạnh phúc của tự do, độc lập.
Hà Nội thực sự là Thành phố đặc biệt
Tôi cảm thấy rất khác biệt so với Ấn Độ, ở quê hương chúng tôi, chưa bao giờ vào dịp Quốc khánh mà nhiều người đổ ra đường như vậy. Sáng 1/9 chúng tôi đã đến thăm lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và hôm nay đi thăm Hồ Gươm. Lần đầu tiên đến Hà Nội, chúng tôi cảm thấy nơi đây thực sự là TP đặc biệt, rất nhiều cây xanh, không khí trong lành, thời tiết mát mẻ, món ăn đậm đà, trẻ con và người cao tuổi đi tập thể dục rất nhiều. Khác với các điểm du lịch chúng tôi từng đặt chân tới, Hà Nội không bị thương mại hóa, dù không nhiều người nói tiếng Anh và chúng tôi hơi khó khăn để tìm đến các địa điểm di tích, nhưng tôi cảm giác như  đến một vùng đất yên bình và có nhiều thứ để khám phá.
Barath và Sdamyukta (Quốc tịch Ấn Độ)
Luôn đoàn kết để xây dựng đất nước
Ngày Quốc khánh 2/9 là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với cả dân tộc Việt Nam. Tôi cảm thấy rất vui khi được chứng kiến và hòa mình vào lễ diễu hành này bởi nó thể hiện được niềm tự hào, tự tôn, tinh thần đấu tranh quật cường, sự đoàn kết, sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam.
Điều khiến tôi cảm thấy vui và tự hào nhất chính là tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam. Mặc dù chúng ta đang được sống trong thời bình nhưng không phải là không còn những khó khăn, thử thách đang đón đợi ở phía trước, nhưng tôi tin rằng với sự gắn kết bền chặt ấy đất nước ta sẽ vượt qua được tất cả.
Nguyễn Đình Triệu  Phố Chùa Láng, Hà Nội
Thủ đô hôm nay đã đổi mới rất nhiều
Tôi là một người con Ứng Hòa, nhưng xa quê hương đã 54 năm, năm nay cả gia đình tôi về thăm quê đúng dịp Quốc khánh 2/9. Cảm nhận đầu tiên của tôi là Thủ đô hôm nay đã đổi mới, tươi đẹp hơn xưa rất nhiều. Ấn tượng nhất là những công trình, kiến trúc hoành tráng, những tuyến đường giao thông hiện đại, rút ngắn khoảng cách và thời gian từ các tỉnh về với Hà Nội, tàu xe đi lại cũng thuận lợi hơn rất nhiều. Niềm vui như được nhân đôi khi quê hương Ứng Hòa - vùng đất giàu truyền thống cách mạng đã thực sự "thay da đổi thịt" từ những tuyến đường trung tâm đến đường làng ngõ xóm đều thênh thang, lộng lẫy cờ hoa.
Ông Nguyễn Danh Thàn  TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên