Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moody's hạ ba bậc tín nhiệm của Italy

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lần đầu tiên trong gần 2 thập kỷ gần đây, Moody's đã hạ điểm tín nhiệm của Italy sau quá trình dài xem xét.

Sau khi một hãng xếp hạng tín nhiệm khác là Standard and Poor's (S&P) hạ điểm tín nhiệm Italy vào hôm 20/9 vừa rồi, hôm qua Moody’s đã hạ 3 điểm tín nhiệm của "xứ sở mỳ ống" từ A2 xuống còn Aa2. Lần gần nhất Moody's hạ điểm nước này xảy ra vào tháng 5/1993.

Trong thông báo của mình, Moody's nói: "Thị trường mong manh đang tiếp tục bao vây khu vực châu Âu với những nguy cơ đáng báo động, đẩy cao các chi phí tài chính và hiểm họa cho Italia. Mặc dù các động thái tới đây trong khu vực có thể làm giảm mối lo ngại cho các nhà đầu tư và bình ổn thị trường, nhưng chuyện chính sách thất bại vẫn không phải không xảy ra được".

Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi cho biết quyết định trên của Moody's không quá ngạc nhiên và ông vẫn khẳng định Chính phủ đang làm hết sức để đạt được các mục tiêu đã đề ra. Cùng với Italy, các quốc gia khác tại châu Âu như Tây ban Nha, Ireland, Bồ Đào Nha, Cộng hòa Síp cũng bị cắt điểm tín nhiệm trong năm nay.
Tháng trước Italy đã thông qua kế hoạch khắc khổ trị giá 54 tỷ euro nhằm mục đích cân bằng ngân sách năm 2013, thuyết phục phía Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) mua lại trái phiếu chính phủ. Trong khi việc mua bán này bước đầu đẩy lợi nhuận của trái phiếu xuống 100 điểm thì chi phí vay nợ của Italy đang đứng cận mức kỷ lục bởi cơn khủng hoảng nợ đang lây lan khắp khu vực châu Âu. Hiện chi phí này cao hơn gấp đôi so với đầu năm. Tỷ lệ nợ trên GDP của Italy lên tới 120%, cao thứ nhì tại châu Âu, xếp sau Hy Lạp.

Trong tháng 5 và tháng 6, lần lượt hai hãng xếp hạng tín nhiệm là S&P và Moody's đã cảnh báo hạ điểm của Italy do Chính phủ không đạt được các mục tiêu tài chính đã đề ra. Moody's đã từng "nhân nhượng" khi gia hạn thêm 1 tháng để xem xét thêm tình hình, trong khi S&P hạ điểm Italia đúng thời gian báo trước, cho rằng chính quyền mỏng manh của ông Berlusconi và mối lo tăng trưởng là nguyên do khiến quốc gia này mất điểm.

Từ năm 2001 đến 2010, tăng trưởng kinh tế trung bình của Italy đạt 0,2%, trong khi mặt bằng chung của EU là 1,1%. Hôm 9/9, Viện số liệu quốc gia Itaty thông báo GDP tăng 0,3% trong quý II trong khi Quý I chỉ tăng được 0,1%.

Ngày 20/9, Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự đoán chỉ tiêu tăng trưởng của Italy, lo ngại nước này sẽ không đạt được mục tiêu xóa sổ thâm hụt. Hai ngày sau đó, tự thân chính quyền Berlusconi cắt dự đoán nhưng vẫn giữ nguyên kế hoạch cân bằng ngân sách năm 2013.

Bộ Tài chính Italy cho biết quốc gia sẽ đạt mức tăng trưởng 0,7% trong năm 2011, thay vì mức 1,1% đưa ra hồi tháng 4. Hai con số này của năm 2012 lần lượt là 0,6% và 1,3%. Trong khi đó IMF có vẻ bi quan hơn khi dự đoán mức tăng trưởng đạt 0,6% năm nay và 0,3% vào năm tới. Bộ cũng tính toán mức thâm hụt ngân sách năm 2011 vào khoảng 3,9% GDP, 1,6% vào năm 2012 và 0,1% vào năm 2013.

Thủ tướng Berlusconi đã quyết hai gói cắt giảm thâm hụt ngân sách kể từ giữa tháng 7 tới nay, tổng trị giá khoảng 100 tỷ euro.