Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Moody's hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Khả năng dễ bị thương tổn của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã gia tăng sau một thời gian tăng trưởng tín dụng bùng nổ kéo dài và chính sách thắt chặt được thực thi sau đó.

Báo cáo của Moody’s dẫn chứng rằng, trong thời gian 5 năm từ 2007-2011, tăng trưởng tín dụng ở Việt Nam trung bình là 33,7% mỗi năm, vượt xa mức tăng trưởng GDP danh nghĩa 21,3% và tăng trưởng GDP thực tế 6,6% mỗi năm.

Moody's hạ bậc tín nhiệm tín dụng của Việt Nam - Ảnh 1

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Ngày 28/9, Moody's đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm tín dụng của Việt Nam với lý do tồn tại những yếu kém trong hệ thống ngân hàng có khả năng tác động đến sự tăng trưởng.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm này đã hạ xếp hạng của Việt Nam từ "B1" xuống "B2" và đặt mức triển vọng "ổn định."

Moody's cũng hạ trần tiền gửi ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ "B2" xuống "B3."

Hai lý do chính dẫn tới việc Moody’s hạ điểm tín nhiệm trái phiếu Chính phủ Việt Nam mà tổ chức này đưa ra bao gồm:

Thứ nhất, khả năng xảy ra rủi ro đối với bảng cân đối kế toán của Chính phủ Việt Nam đã gia tăng do xuất hiện thêm nhiều điểm yếu trong hệ thống ngân hàng.

Và thứ hai, triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của nền kinh tế Việt Nam có thể yếu đi do khả năng cung cấp vốn tín dụng hệ thống ngân hàng giảm.

Theo Moody’s, việc các ngân hàng Việt Nam suy giảm khả năng cấp vốn tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng diễn ra giữa lúc nhu cầu của thị trường bên ngoài suy yếu. Trong 8 tháng đầu năm nay, tăng trưởng tín dụng gần như đi ngang bất chấp chính sách tiền tệ được nới lỏng hơn.

Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm của Việt Nam có xu hướng cải thiện sau từng quý, quý sau cao hơn quý trước. GDP quý 1 tăng 4%, quý 2 tăng 4,66%, quý 3 ước tăng 5,35%. Tính chung GDP 9 tháng đầu năm ước đạt 4,73%.

Tuy nhiên tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 vào ngày 27/9, các thành viên Chính phủ cho rằng tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, trong đó nổi lên là kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc, chỉ số giá tiêu dùng đang có xu hướng tăng trở lại, tăng trưởng kinh tế chậm hơn kỳ vọng; tình trạng nợ xấu ngân hàng chậm được giải quyết; thị trường tài chính, tiền tệ còn phức tạp; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm…

Tổ chức này đánh giá rằng, do những chi phí có thể xảy ra liên quan tới tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng, Chính phủ Việt Nam sẽ bị hạn chế khả năng phản ứng bằng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho tăng trưởng.

Moody’s đánh giá, Việt Nam đã có một số thành công trong việc lập lại ổn định kinh tế vĩ mô như lạm phát giảm, cán cân thanh toán tương đối khỏe mạnh, dự trữ ngoại hối tăng… Nhưng Moody’s cho rằng, những yếu tố này chưa đủ để bù đắp những yếu kém trong hệ thống ngân hàng.