Moscow và Minsk sẽ "đáp trả thích đáng" các hành động khiêu khích ở biên giới

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quan chức an ninh Liên bang Nga tuyên bố Moscow và Minsk sẽ tiếp tục "đáp trả thích đáng trước các hành động khiêu khích, kể cả các hoạt động quân sự" dọc biên giới hai nước này.

Hãng tin Xinhua đưa tin Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Liên bang Nga Nikolai Patrushev khẳng định cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus-Ba Lan có thể được xem là kết quả của sức ép bên ngoài nhằm vào Minsk.
 Người di cư tại biên giới Belarus-Ba Lan. Ảnh: Tass
Ông Patrushev tuyên bố Nga cùng với Belarus sẽ tiếp tục "đáp trả thích đáng trước các hành động khiêu khích, kể cả các hoạt động quân sự" dọc biên giới hai nước này với các nước khác.
Trả lời phỏng vấn tuần báo Argumenty i Fakty về cuộc khủng hoảng di cư tại khu vực biên giới Belarus-Ba Lan, ông Patrushev nêu rõ: "Belarus là đồng minh và đối tác chiến lược gần gũi nhất của chúng tôi. Việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko ký sắc lệnh hợp nhất Nhà nước Liên minh hôm 4/111 một lần nữa chứng minh mối quan hệ đồng minh đặc biệt này" - ông Patrushev cho hay.
Quan chức an ninh Nga cũng hối thúc Liên minh châu Âu (EU) kiềm chế việc người di cư di chuyển đến Belarus thay vì đưa ra lời khuyên cho chính quyền Minsk.
Căng thẳng giữa EU và Belarus đã leo thang trong thời gian gần đây xung quanh vấn đề người di cư ở khu vực biên giới giữa Belarus và Ba Lan.
Brussels đã cáo buộc Minsk để cho dòng người di cư đến Belarus và vượt biên giới vào Ba Lan cũng như các nước thành viên khác trong liên minh nhằm đáp trả việc EU áp đặt các biện pháp trừng phạt Belarus liên quan tình hình chính trị tại nước này.
Phía Belarus luôn bác bỏ, coi đây là cáo buộc vô căn cứ. Tổng thống Belarus Lukashenko cho rằng các nước phương Tây phải chịu trách nhiệm vì chính hành động can thiệp của những nước này đã khiến người dân tại nhiều quốc gia phải sơ tán chiến tranh.
Belarus đã đề xuất kế hoạch trong đó EU tiếp nhận 2.000 người di cư trong khi Belarus sẽ hồi hương 5.000 người khác. Tuy nhiên, đề xuất này đã bị Ủy ban châu Âu (EC) và Đức bác bỏ.
Trước đó, hôm 19/11, Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko đã có cuộc điện đàm thảo luận về cuộc khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus-Ba Lan. Theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác giữa Belarus và EUđể giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư hiện nay.
Trong một diễn biến liên quan, Tass ngày 24/11 cho biết Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho rằng Belarus cần đưa người  di cư tại biên giới nước này với Ba Lan đến địa điểm an toàn hơn.
Người phát ngôn của UNHCR Shabia Mantoo cho biết, một số người xin tị nạn, hiện đang mắc kẹt ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan, có thể có lý do chính đáng để vào EU, như đoàn tụ với gia đình.