Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một cách gìn giữ văn hóa Việt

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Bên cạnh những xu hướng có phần hướng ngoại, lai tạp và đáng phàn nàn của làng giải trí Việt, phải thừa nhận thời gian gần đây, những nhà làm văn hóa trong nước đã dành không ít tâm sức cho các hoạt động tôn vinh văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em. Đó chính là cách để gìn giữ, bảo tồn văn hóa Việt và đáng được ghi nhận.

  "Điểm hẹn" ý tưởng

Với các sự kiện Cuộc thi hoa hậu các dân tộc Việt Nam lần 2, khu Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam mở ra thênh thang trên đất Đồng Mô và cuộc Trình diễn trang phục truyền thống lần đầu tiên tại Hà Nội, người quan tâm đến văn hóa Việt đều nhận ra một "điểm hẹn" chung về ý tưởng. Ây là tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa nói chung và vẻ đẹp văn hóa đặc trưng của cộng đồng 54 dân tộc Việt; thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc; quảng bá hình ảnh Việt Nam… 

Cũng vì thế mà những sắc màu, hoa văn, đường nét trên bộ trang phục riêng của từng dân tộc luôn lộ diện đầu tiên và không thể thiếu trong từng hoạt động. Cuộc trình diễn trang phục truyền thống chú trọng đến tính nguyên gốc của từng bộ trang phục, cả trong lễ hội lẫn trong sinh hoạt. Còn khu Làng văn hóa, du lịch, mỗi lần rôm rả mở hội, đều hội tụ đủ các dân tộc trong những nếp nhà và những bộ trang phục truyền thống riêng mình. Không chỉ có vậy, chính những con người khoác trên mình sắc màu truyền thống kia còn tựa như các "tuyên truyền viên" về văn hóa dân tộc mình.

Tìm lại bản sắc

Phải ghi nhận, những cuộc hội tụ sắc màu truyền thống đã góp phần không nhỏ tìm lại và phục hưng bản sắc các dân tộc Việt. Bởi phía sau những cuộc trình diễn, những đêm rạng rỡ ánh đèn sân khấu, là hành trình tìm kiếm, sưu tầm miệt mài của nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Việt để tìm lại nguyên gốc từng bộ trang phục, tìm lại cả những phong tục tập quán tưởng như đã mất hẳn trong đời sống đương đại.

Và kết quả của hành trình ấy đã hiện diện trước công chúng. Tiêu biểu là ngày 28/11 này, đại diện của 54 dân tộc sẽ trình diễn hơn 100 loại trang phục truyền thống tại Làng văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương, Trưởng ban tổ chức, cho biết: "Ủy ban Dân tộc đã thành lập Hội đồng tư vấn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Hội đồng Tư vấn có nhiệm vụ thẩm định, nhận xét từng bộ trang phục của người trình diễn và các đoàn; đánh giá, phân loại trang phục gốc, cải tiến, cách tân chất liệu cũng như hoa văn của từng bộ trang phục". Rồi chính kết quả thẩm định này sẽ là cơ sở khoa học, để người làm chương trình đề xuất xây dựng chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Cuộc thi Hoa hậu các dân tộc ngay ở lần đầu tổ chức (năm 2007) đã hội tụ được những cô gái sắc nước hương trời của 38 dân tộc. Đến lần thứ 2 (tháng 11/2011), ghi tên tới 1.015 thí sinh của 42 dân tộc. Không chỉ có các cô gái Chăm, Giáy, Ê Đê, Dao, Mường, Mông, Tày, Thái, Khơ Me… mà có cả một số thí sinh thuộc các dân tộc rất ít người như: H'Rê, Xơ Đăng, Chơ Ro, Gié Triêng, La Chí, Lô Lô…

Dù chưa khai thác, khôi phục lại được hoàn toàn các bộ trang phục của 54 dân tộc, cũng như chưa hội tụ đủ mặt các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam, nhưng rõ ràng các hoạt động tôn vinh văn hóa Việt này đã góp phần không nhỏ tìm lại bản sắc Việt. Cuộc thi nào, chương trình nào cũng có giải thưởng ở phần cuối cùng, nhưng ở những cuộc tôn vinh này, giải thưởng chỉ là điều thứ yếu.