Không "ôm" tham vọng tạo dựng các nghệ sĩ chèo, dự án này thật ý nghĩa khi mở đường đưa các bạn trẻ về với nghệ thuật truyền thống.
Nghe nói đến "Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương", rất nhiều người trong giới làm nghệ thuật bày tỏ sự vui mừng và trân trọng khi thế hệ 9X đã có trong tim một góc dành cho nghệ thuật truyền thống. Bởi mục đích nhỏ nhưng ý nghĩa lớn của dự án cộng đồng này là lôi cuốn các bạn trẻ tìm hiểu, trải nghiệm để yêu chèo thông qua các hoạt động tương tác mang phong cách trẻ. Như một thành viên trong nhóm thực hiện dự án này chia sẻ, họ muốn kết nối thế hệ lãnh đạo tương lai của đất nước với những giá trị đặc sắc, nét đẹp truyền thống dân tộc bằng những hoạt động khám phá, học hỏi, trải nghiệm. Thế nên, "Chèo 48 giờ" đã khởi động với 2 phân đoạn chính: "Chèo khám phá" và "Chèo trải nghiệm". Trong thời gian một tháng, "Chèo khám phá" tạo cơ hội cho các bạn trẻ: Giao lưu trực tiếp với các nghệ sĩ chèo; Tham quan Nhà hát Chèo; Lên ý tưởng bảo tồn và phát triển chèo; Học hát, múa các trích đoạn chèo kinh điển (ví như "Lý trưởng, mẹ Đốp"), các vai diễn đặc sắc (ví như "Hề Môi"), các làn điệu đặc trưng... Tiếp nối là phân đoạn "Chèo trải nghiệm" sẽ tổ chức cho các bạn trẻ đi khám phá cội nguồn của nghệ thuật chèo trong đời sống của người dân làng Khuốc - một làng chèo nổi tiếng ở đất Phong Châu (Đông Hưng, Thái Bình).
Hiện tại, 60 bạn trẻ thuộc thế hệ 9X đang trải nghiệm tháng "Chèo khám phá" tại Hà Nội với 3 buổi học/tuần. Đúng với tính chất cộng đồng và phong cách của người trẻ, các nghệ sĩ và các bạn trẻ xếp vòng tròn "hát cho nhau nghe" và truyền tải cho nhau niềm đam mê chèo. Ngồi giữa vòng tròn các bạn trẻ này là nghệ sĩ Tuấn Cường (Nhà hát Chèo Việt Nam), nghệ sĩ Khương Cường (Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam), và cả NSƯT Thanh Ngoan (Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam), giảng viên Thanh Huyền (ĐH Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội). Hiệu ứng đã nhìn thấy trong những ánh mắt bạn trẻ say sưa nghe kể về chèo, lẩm nhẩm hát theo những làn điệu truyền thống… Được biết, phân đoạn "Chèo trải nghiệm" sẽ tiếp nối trong tháng 8 tới.
Dễ hiểu vì sao "Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương" nhận được sự đồng tình của giới làm nghệ thuật cũng như những người quan tâm đến nghệ thuật truyền thống. Bởi, bản thân người dựng lên ý tưởng và thực hiện ý tưởng này cũng là những người trẻ: 20 sinh viên các trường đại học ở Hà Nội dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển bền vững. Bởi, ngay từ ý tưởng được thai nghén đã định hình một câu hỏi rất đáng suy ngẫm: Tại sao giới trẻ Việt Nam cứ chạy theo những trào lưu âm nhạc "nhập ngoại" mà không tha thiết với nghệ thuật mang đầy bản sắc của người Việt? Đó chính là nguyên nhân khiến nghệ thuật truyền thống, trong đó có chèo, cứ dần phai mờ trong tâm thức người trẻ. Và không phải chỉ lập luận "suông", nhóm thực hiện ý tưởng đã làm một cuộc khảo sát nhỏ dành cho đối tượng sinh viên và học sinh từ 15 - 24 tuổi tại Hà Nội. Kết quả thu được là một "đáp án" khá thực tế: 89% người được hỏi cho rằng giáo dục về văn hóa nghệ thuật dân gian còn quá yếu kém; 22% các bạn muốn tìm hiểu, học hỏi thêm về chèo mà không biết tìm hiểu ở đâu và như thế nào. Đây chính là "điểm tựa" để nhóm dựng lên khung của 2 phân đoạn "Chèo khám phá" và "Chèo trải nghiệm" mang phong cách trẻ.
Đầy tâm huyết với nghệ thuật chèo, nhóm thực hiện dự án không đặt ra những tham vọng quá lớn, chỉ cần các bạn trẻ thế hệ 9X hiểu về chèo, biết hát một vài làn điệu và biết thưởng thức bộ môn nghệ thuật truyền thống này đã là thành công. Đây chính là tiếng nói góp thêm vào công cuộc bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống đầy kỳ công và nhiều gian nan hiện tại.
Các bạn trẻ tại dự án “Chèo 48 giờ - Tôi chèo về quê hương”.
|