Phải khẳng định, tác giả biết mình viết gì và khắc họa nên những hình tượng nhân vật với cá tính sắc nét. Ở đây, tác giả Cầm Sơn đã hiểu rõ, có vốn sống đầy đặn, và dũng cảm bóc mẽ một kiểu làm ăn đã và và đang nhức nhối từ nhiều năm qua. Cụ thể hơn đó là cảnh rút ruột rừng, những bất cập trong công tác quản lý, trồng mới, phủ xanh đất rừng. Với một hiện thực ngồn ngộn chi tiết, cứ tuôn chảy, làm cho bạn đọc sốt ruột, xót xa, thương cho những cánh rừng vô tội, những vạt rừng bị những kẻ thiếu trách nhiệm càn quấy. Hình ảnh sống động đến nỗi, đôi lúc người tư tưởng tác giả đã đứng ở đó, chứng kiến tất cả sự việc, chép lại, bày ra trước mặt bạn đọc, và ông cũng không thôi những tiếng nấc nghẹn… Càng đọc, càng thấy ngộp thở và thương rừng. Rừng không biết đấu tranh, rừng đơn phương độc mã chịu trận.
Một cuốn sách ngồn ngộn hiện thực. Cầm Sơn đã đi xuyên cánh rừng, và hơn thế, ông hiểu mọi ngóc ngách của cánh rừng mà ông yêu quý, gắn với những kỷ niệm, hoài vọng và nhức nhối những nỗi đau. Ông cất lên tiếng nói, phơi bày, tố cáo trực diện những màn kịch mà một bộ phận quan chức của ngành đã làm, cùng hậu quả của nó. Đọc xong cuốn tiểu thuyết, tôi tin, nhiều người sẽ giật mình, nhất là những người đang làm trong lĩnh vực lâm nghiệp. Sẽ không ít người yêu rừng tự hỏi, đánh giá, quê hương mình còn lại bao nhiêu rừng? Chắc chắn, sẽ nhận được rất nhiều chia sẻ.
Có thể nói, Cầm Sơn viết văn bằng cái dồn ứ của chuyện đời, bằng sự hối thúc nội tâm, bằng nhu cầu giải phóng năng lượng sáng tạo hơn là chú ý đến mẹo viết văn. Bởi thế, câu văn của ông không được trau chuốt. Nhiều câu còn dùng ngôn ngữ nói ngoài đời, làm giảm hàm lượng "văn" trong đó. Việc xây dựng tuyến nhân vật còn chưa rõ nét, một số nhân vật xuất hiện làm rối rắm các tình tiết, không có tác dụng thúc đẩy cho quá trình vận động của cốt truyện, do đó không làm bật lên được tác dụng của chính tác giả. Cuối cùng, điều tác giả làm được là sự hối thúc: Chúng ta phải tìm mọi cách để cứu rừng. Con người không thể quay lưng lại với rừng. Những thông điệp ấy sẽ được nhiều người nhớ, chia sẻ, bởi đó là những thông điệp nhân văn.