Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một công cụ, ba mục đích

Bắc Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội Armenia vừa phê chuẩn thỏa thuận giữa nước này và Nga về thiết lập hệ thống phòng không chung vốn đã được ký kết trong tháng 12 năm ngoái.

Thật ra, quân đội Nga và Armenia đã cùng nhau bảo vệ không phận Armenia từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước và Nga đã triển khai quân đội và máy bay chiến đấu trên lãnh thổ Armenia, tức là Nga đã có căn cứ quân sự trên lãnh thổ Armenia và quan hệ hợp tác giữa hai nước về quân sự, quốc phòng và an ninh rất bền chặt và tin cậy. Cho nên thỏa thuận mới nói trên có ý nghĩa chính trị và tầm vóc chiến lược vượt ra ngoài việc bảo vệ không phận thuần tuý cho Armenia.
Một công cụ, ba mục đích - Ảnh 1
Nếu phải đối phó thì hiện tại Armenia phải đối phó Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ cự tuyệt quan hệ ngoại giao với Armenia và phong tỏa toàn tuyến biên giới chung với Armenia. Nguyên do là giữa hai nước này chưa xử lý được ổn thoả chuyện quân đội của Đế chế Osman mà Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay kế thừa về phương diện pháp lý quốc tế tàn sát người Armenia cách đây 100 năm - nhiều nước trên thế giới coi đó là vụ diệt chủng trong khi phía Thổ Nhĩ Kỳ kịch liệt bác bỏ - và Thổ Nhĩ Kỳ đứng hẳn về phía Azerbaijan trong cuộc xung khắc giữa Azerbaijan và Armenia về chủ quyền đối với vùng Nagorno Karabakh. Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO và một mắt xích trong hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO ở châu Âu mà Nga cho rằng nhằm đối phó và đe dọa an ninh của Nga.

Trong bối cảnh tình hình như thế, việc Armenia phê chuẩn thỏa thuận với Nga về hệ thống phòng không chung nhằm đồng thời 3 mục đích. Thứ nhất, nó thể chế hoá và nâng tầm quan hệ hợp tác quân sự, quốc phòng và an ninh giữa hai nước. Thứ hai, trong thực chất nó chẳng khác gì sự đảm bảo an ninh của Nga đối với Armenia và cam kết Nga hậu thuẫn Armenia trong vấn đề Nagorno Karabakh và trong quan hệ của Armenia với Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan. Thứ ba, nó là một trong những biện pháp của Nga đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa mới của NATO và việc NATO tăng cường triển khai binh lính cũng như vũ khí ở khu vực láng giềng xung quanh Nga.