Một đời lênh đênh theo nhịp ca trù

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau lần nghe tiếng hát réo rắt của Nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ, Bạch Vân đâm mê mẩn, “say” và cuối cùng là bỏ tất cả để lao vào con đường chông chênh của ca trù.

Ba mươi năm theo đuổi nghiệp đàn ca, ở cái tuổi ngũ tuần, chị vẫn một cõi lặng lẽ đi về: không chồng, không con, không tiền tài… Nhưng trong chị vẫn cháy bỏng một ước mong làm sao để ca trù được sống...

Ngược dòng… “phù suy”

Gương mặt mộc, nụ cười thường trực trên môi, ca nương nổi danh hàng đầu đất Hà thành tiếp khách bằng một điệu ca trù cổ. Tiếng ca réo rắt làm đắm lòng người khách trẻ bởi nghệ thuật luyến láy, nhả âm của người nghệ sĩ tài danh.

 
Một đời lênh đênh theo nhịp ca trù - Ảnh 1
 
Nghệ sỹ Bạch Vân đang truyền nghề cho một bạn trẻ (Ảnh: Baotintuc)

Ngớt tiếng đàn, Bạch Vân trải lòng: “Ấy vậy mà cũng đã 30 năm ca trù cuốn phăng tôi đi! Nhiều lúc giật mình ngoảnh lại, chính tôi cũng không hiểu tại sao mình có thể vượt qua những tháng năm ấy.”

Từ nhỏ thường xuyên được thấy cha ngâm thơ, vịnh Kiều, nghe mẹ hát dân ca ví dặm… nên vốn văn hóa truyền thống ngấm vào Bạch Vân từ lúc nào chẳng hay. “Chắc ít ai có một tuổi thơ được nghe mẹ mắng con bằng ca dao, dân ca như tôi,” chị tâm sự.

Bạch Vân lớn lên với giấc mơ trở thành một nhà văn. Ấy vậy mà cuộc đời lại rẽ theo một hướng khác. “Âu cũng là cái duyên tiền định! Trong gia đình, cũng chẳng ai ngờ tôi sẽ theo ca trù và sống với nó đến ngày hôm nay,” người nghệ sỹ nghẹn ngào.

Cái nghiệp ấy vận vào chị từ một đêm nghe tiếng hát của cụ Quách Thị Hồ. “Lúc ấy, tôi thấy người run run như có một luồng điện chạy dọc cơ thể. Tôi hình dung thấy một không gian cổ xưa với những tâm sự, nỗi niềm day dứt của kiếp người,” nghệ sỹ Bạch Vân hồi tưởng.

Thổn thức và ám ảnh… Sau đêm ấy, Bạch Vân quyết định từ bỏ tất cả những gì đã có để theo ca trù.

Mười năm đằng đẵng, Bạch Vân mải miết đi tìm lại những tư liệu cũ, những nghệ nhân xưa ở Hà Nội cũng như khắp vùng Nam Định, Thanh Hóa… Tìm được các nghệ nhân đã khó, nhưng làm sao để các cụ rũ bỏ được mặc cảm “cô đầu” một thời lại là một hành trình gian nan hơn.

“Định kiến xã hội khi ấy còn nặng nề lắm. Tôi thường xuyên bị các nghệ nhân và gia đình xua đuổi. Tôi như kẻ vô duyên, vô công rỗi nghề ngày ngày tới làm phiền họ,” nghệ sỹ nhớ lại.

Bước chân mỏi mệt, nhiều khi muốn khuỵu xuống. Chị kể, không ít đêm, nằm khóc một mình vì tủi thân, kiệt sức và thề sẽ bỏ ca trù. Thế nhưng, chỉ đến sáng hôm sau thôi, mọi chuyện… đâu lại vào đó.

Câu chuyện tìm gặp cố Nghệ sỹ nhân dân Quách Thị Hồ xin học ca trù cả đời Bạch Vân không thể quên. Sau lần gặp gỡ, đáp lại lời thỉnh cầu của chị là một “gáo nước lạnh”: “Học làm gì hả con? Con bà thì không học. Cháu bà, cô Thanh Huyền đấy, giọng đẹp như thế mà cũng không thể sống chết với ca trù. Ở ta, ca trù chỉ có… lụi thôi.”

Thế nhưng, cái nghiệp cầm ca cứ bám lấy Bạch Vân không rời. Có lẽ, đó cũng là cái duyên tiền định...

“Không hiếm người bảo tôi là… dở hơi! Xưa nay, chỉ thấy người đời ‘phù thịnh’ chứ mấy ai ngược dòng ‘phù suy’ như tôi?” Tay mân mê bộ phách, đôi mắt nhìn về xa xăm, Nghệ sỹ ưu tú Bạch Vân đắng đót.

“Cơm áo không đùa với khách thơ”

Nói về ca trù, Bạch Vân say sưa nhưng thấm buồn, giọng day dứt, khắc khoải. Ca trù Việt đã được tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể của thế giới. Nhưng, nó lại nằm ở vị trí “cần được bảo vệ khẩn cấp” có lẽ cũng bởi vị trí của nó vẫn rất nhạt nhòa trong lòng công chúng.

Người nghệ sỹ cả đời đeo đẳng với nghệ thuật dân tộc xót xa khi khán giả chủ yếu của ca trù hiện nay vẫn chỉ là khách nước ngoài và một số người thích hoài cổ. “Bây giờ cũng không thể nhớ hết được số lần đi diễn… không công. Có năm, Câu lạc bộ ca trù Hà Nội của chúng tôi lỗ tới hàng trăm triệu đồng ấy chứ,” chị tâm sự.

Triền miên trong câu chuyện, chị bảo, “ừ thì lẽ ra tôi cũng có mái ấm gia đình riêng, có tiền. Nhưng tôi lấy chồng rồi bỏ chồng cũng vì ca trù, toàn bộ tiền bạc của tôi đều dồn vào những việc liên quan đến ca trù.”

Ở tuổi trăng tròn, hát hay, học giỏi, Bạch Vân lọt vào mắt xanh của bao chàng trai. Thế nhưng, “hồng nhan đa truân,” ngoài 40 tuổi, ca nương Bạch Vân mới lập gia đình. Ông xã kém chị hơn một giáp, vốn là một tay đàn giỏi. Ban đầu, họ vẫn coi nhau như những người bạn có cùng chung bầu nhiệt huyết với ca trù. Rồi, tình yêu đến lúc nào chẳng hay và đám cưới là hệ quả tất yếu.

“Khi đó ai cũng mừng, ngỡ tưởng tôi đã có một chốn bình yên,” chị chia sẻ. Nhưng sự đời trớ trêu, sau đám cưới, anh lại mê kinh doanh cơm chay. Anh nói với chị: “Mình không thể yêu ca trù như Vân được, mình phải sống!” Rồi, anh vắng bóng dần trong những chuyến đi diễn và cũng không quen với chuyện đi diễn mà không mang tiền về như Bạch Vân vẫn làm suốt bao năm.

Mâu thuẫn nảy sinh. Gạt nước mắt, Bạch Vân quyết định chia tay người bạn đời mới gắn bó chưa đầy một năm. Từ đó, chị một mình một cõi đi về trên một căn gác xép nhỏ, giản dị đến mức sơ sài. Không trang hoàng cầu kỳ, chỉ có chiếc tivi mua từ ngày lấy chồng là tài sản giá trị. Bạch Vân bảo: “Với tôi, thế này là tốt lắm rồi!”

Có lần, một số bạn trẻ tình nguyện viên muốn lên thăm nhà, chị tếu táo: “Cả chục người kéo nhau lên như thế, chẳng may căn gác sập xuống thì tôi biết làm sao?”

Gần Tết, người ta nô nức sắm sửa, còn Bạch Vân vẫn mải miết với những mối lo xung quanh ca trù: “Sau khi được vinh danh, ca trù phổ biến hơn nhưng tốc độ lai tạp của nó cũng rất nhanh. Nhiều câu lạc bộ mới được mở ra, hàng loạt những đào nương, kép đàn mới có tuổi nghề vài tháng, thậm chí là vài tuần cũng đã trực tiếp biểu diễn. Người ngoài nghề rất khó để biết được thế nào là đúng, là chuẩn.”

“Hồng hồng Tuyết tuyết/ Mới ngày nào còn chưa biết cái chi chi/ Mười lăm năm thấm thoắt có xa gì/ Ngoảnh mặt lại đã tới kỳ tơ liễu…,” đôi mắt lim dim, nghệ sỹ cất lời ca day dứt lòng người...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần