Một giải pháp cấp thiết

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giữa tuần qua, trong một chương trình thời sự, VTV1 đưa tin: Ngày 7/10, một vỏ chai nhựa được phát hiện bởi một nhân viên bảo vệ tại bờ biển ở Somerset, nước Anh.

Theo thông báo trên trang Facebook của cơ quan tuần duyên Burnham Coastguard, vỏ chai này “trông gần như mới” khi được tìm thấy. Chữ viết và thông tin trên vỏ chai nhựa cho thấy nó được sản xuất cách đây ít nhất 47 năm. Vụ việc này làm dấy lên sự cảnh báo về tình trạng ô nhiễm hiện nay.
“Chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi số lượng mảnh vỡ, rác thải dạt vào bờ biển hôm 7/10. Thật bất ngờ về khoảng thời gian dài mà loại rác thải này có thể tồn tại và gây hại cho tự nhiên” - thông báo viết.

Bất ngờ và lo ngại là cảm nhận của người Anh. Còn với chúng ta, đây cũng là một vấn đề đáng suy nghĩ bởi mỗi năm, Việt Nam thải ra đại dương khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, nằm trong top 5 của thế giới, trong khi chúng ta là một quốc gia đang hướng ra biển, mong muốn làm giàu từ biển! Những con số trên là hậu quả của thói quen sử dụng túi nylon, ống hút nhựa… cùng hành vi vứt rác vô tội vạ. Và cũng không chỉ có rác thải nhựa. Theo thống kê của Bộ TN&MT, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh mỗi ngày hiện nay là khoảng 38.000 tấn, gần 14 triệu tấn/năm, tăng khoảng 30% so với cách đây 5 năm. Điều đáng nói là hiện nay, hầu hết lượng rác thải sinh hoạt ở nước ta, trong đó có rác thải nhựa, chưa được phân loại ngay từ nguồn phát sinh. Phần lớn mới chỉ được chôn lấp, vừa lãng phí quỹ đất, lãng phí khối lượng lớn phế thải có thể tái chế. Ở nhiều địa phương, các bãi chôn lấp rác thải đang trở nên quá tải và ô nhiễm nghiêm trọng. Rõ ràng, trong những biện pháp xử lý rác thải, việc phân loại rác tại nguồn là một giải pháp quan trọng.

Thật ra không phải chúng ta chưa từng quan tâm tới vấn đề này. Từ năm 2002, việc phân loại rác tại nguồn đã được thực hiện tại phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội và một số địa phương khác. Sau đó, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và UBND TP Hà Nội ký dự án "Hợp tác kỹ thuật thực hiện sáng kiến 3R để góp phần xây dựng một xã hội bền vững ở TP Hà Nội". Dự án 3R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế) có tổng vốn đầu tư khoảng 3 triệu USD, từ vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản. Chương trình phân loại rác thải tại nguồn đã được thực hiện rất hiệu quả ở nhiều địa bàn. Rất đáng tiếc là sau khi kết thúc dự án, chương trình này đã không được triển khai rộng rãi.

Nói rất đáng tiếc là bởi sau ngần ấy năm, Hà Nội cùng nhiều địa phương khác vẫn đang đứng trước bài toán hóc búa về xử lý rác thải. Ông Nguyễn Trọng Đông - Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, hiện nay bãi rác Nam Sơn, bãi rác lớn nhất Hà Nội đã ứ đầy, mặc dù đã không ít lần mở rộng. Mỗi ngày, Hà Nội phát sinh 6.500 tấn rác thải sinh hoạt và khoảng 30% trong số này chưa thể thu gom, xử lý. Vì thế, bãi rác “tự nhiên” mọc lên ở khắp nơi… gây ô nhiễm môi trường, cảnh quan, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.

Dự báo đến năm 2020, lượng rác thải của Hà Nội sẽ là 14.150 tấn/ngày đêm, năm 2030 là 18.900 tấn/ngày đêm và đến năm 2050 là 25.380 tấn/ngày đêm.Trước viễn cảnh đáng ngại trên, có thể nói tái khởi động việc thực hiện phương pháp 3R (giảm thiểu, tái chế, tái sử dụng) được Nhật Bản và nhiều quốc gia khác thực hiện từ lâu, là một trong những biện pháp cấp thiết nhằm giải bài toán rác thải.

Tuy nhiên, cũng cần nói rằng, để thực hiện được giải pháp này, đòi hỏi một thái độ cũng như các biện pháp quyết liệt. Dù chưa làm được như Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) nói không với túi nylon, nay tiếp tục nói không với ống hút nhựa, thì Hà Nội cũng đã có ít nhiều kinh nghiệm với cách làm này. Nói vậy bởi dù 3R đã tạm ngừng, nhưng ảnh hưởng của nó vẫn còn trong người dân. Tại các khu dân cư, nhiều gia đình đã có ý thức phân loại rác, nhiều công nhân vệ sinh môi trường cũng đã phân loại rác ngay khi thu gom, gom thực phẩm thừa để làm thức ăn chăn nuôi, gom túi nylon, bao bì, vỏ chai dành tái chế… Vấn đề ở đây là sự quan tâm, tổ chức của người có trách nhiệm. Đặc biệt là tránh cách làm theo kiểu đánh trống bỏ dùi.

Nhận thức được tính cấp thiết của vấn đề, một số địa phương như TP Hồ Chí Minh,TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương)… đã khởi động lại Chương trình xử lý rác thải sinh hoạt theo phương pháp 3R.

Cùng với các giải pháp khác như nói không với túi nylon, ống hút nhựa, xã hội hóa việc xử lý rác thải… việc tái khởi động chương trình 3R là vô cùng cấp thiết. Hy vọng với cách làm quyết liệt, đồng bộ, mục tiêu đến năm 2020, khoảng 80% lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc phải được thu gom và xử lý đảm bảo các yêu cầu về môi trường đề ra trong Chiến lược quản lý tổng hợp chất thải rắn do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ thành hiện thực.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần