Dưới đây là một vài chia sẻ của ông Gianluca Nicholas Lange, Quản lý các ngành Công nghiệp Khu vực - ASEAN, AEC tại Autodesk, công ty đã nghiên cứu và phát triển mô hình thỏa mãn những đòi hỏi trên.
Thưa ông, mô hình thông tin xây dựng (BIM) là một khái niệm còn tương đối mới tại Việt Nam, thực chất mô hình này là gì và nó trợ giúp cho quá trình xây dựng và quản lý dự án như thế nào?
- Mô hình thông tin xây dựng (BIM) là một mô hình thông minh dựa trên quá trình thiết kế bổ sung giá trị vào toàn bộ vòng đời của dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng. Sự ra đời nhanh chóng của BIM đang thay đổi cách thức mà các đội ngũ thực hiện dự án kiến trúc, kỹ thuật và xây dựng (AEC) làm việc với nhau để giải quyết những thách thức thiết kế phức tạp và xây dựng các tòa nhà tốt hơn, thông minh hơn, nhanh hơn với chi phí thấp hơn.
Dự án Đảo Kim Cương tại quận 2, TP Hồ Chí Minh.
Vậy, nói một cách đơn giản, BIM là một phần mềm quản lý dự án xây dựng giúp cho việc quản lý chất lượng và chi phí hiệu quả hơn?
- Một số người đã nhầm khi nghĩ rằng BIM chỉ là một loại phần mềm mới. BIM thực sự là một quy trình dựa vào các mô hình thông tin đa dạng, cho phép các chủ sở hữu và các nhà cung cấp dịch vụ kiến trúc, kĩ thuật và xây dựng (AEC) có thể lập kế hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý các dự án, công trình xây dựng và cơ sở hạ tầng hiệu quả hơn. Việc dựa vào các mô hình thiết kế kỹ thuật số đã trở nên khá phổ biến trong ngành công nghiệp sản xuất nhiều thập kỷ qua tại các nước đang phát triển. Đội ngũ thiết kế dự án tại các công ty như Boeing và Toyota coi các mô hình kỹ thuật số là trọng tâm trong quy trình hợp tác kỹ thuật nhiều năm trở lại đây, sử dụng chúng để hỗ trợ toàn bộ vòng đời dự án từ thiết kế và xây dựng tư liệu đến hỗ trợ sản xuất.
Ông có thể giải thích rõ hơn, vậy BIM khác với phần mềm phổ biến nhất được sử dụng trong thiết kế và xây dựng hiện nay là CAD như thế nào?
- Không giống như CAD, vốn chỉ sử dụng các công cụ phần mềm để tạo ra các bản vẽ kỹ thuật số 2D hoặc 3D, BIM tạo ra một cách làm việc mới dễ dàng hơn: Tạo ra thiết kế với các đối tượng thông minh. Điểm đặc biệt khi sử dụng mô hình này là cho dù là thiết kế được thay đổi bao nhiêu lần hoặc ai thay đổi thì dữ liệu vẫn luôn đồng nhất và chính xác hơn đối với tất cả các bên liên quan, giúp họ có thể đưa ra các quyết định đúng đắn một cách nhanh chóng.
Vậy theo ông, BIM sẽ có hiệu quả như thế nào với các dự án xây dựng ở Việt Nam?
- Hiện, đã có một số dự án lớn tại Việt Nam sử dụng mô hình này. Điển hình là dự án "Đảo Kim Cương - Diamond Island" của Công ty Bình Thiên An, được kỳ vọng sẽ trở thành một biểu tượng kiến trúc mới về thiết kế xanh tại TP Hồ Chí Minh. Ở Việt Nam, cũng như các nước phát triển và đang phát triển, các dự án sẽ ngày càng phức tạp, đòi hỏi các công ty quản lý chia sẻ số lượng dữ liệu khổng lồ giữa các bộ phận. BIM cho phép các nhà cung cấp dịch vụ cải thiện độ chính xác, hiệu quả và năng suất, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Đặc biệt, BIM còn giúp các chuyên gia AEC và các chủ sở hữu có thể thiết kế, hình dung, mô phỏng, và phân tích các đặc điểm quan trọng của một dự án kỹ thuật số, trước khi xây dựng nó.
Để giúp các chuyên gia xây dựng đi đầu trong chuyển đổi ứng dụng BIM, chúng tôi đã phát triển giải pháp quản lý dữ liệu và hợp tác Autodesk BIM 360, cho phép người sử dụng kiểm soát các dự án xây dựng ngay từ đầu và truyền đạt hiệu quả mục đích thiết kế; phối hợp với đội ngũ thiết kế và đánh giá khả năng thi công trước khi việc xây dựng được bắt đầu; chia sẻ dữ liệu giữa tất cả các bên liên quan để hiểu và trao đổi nhanh chóng, hiệu quả, kết hợp tốt hơn; giảm rủi ro xây dựng…
Trong bối cảnh có những thay đổi lớn đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi tin rằng giải pháp công nghệ như Autodesk BIM 360 có thể giúp thiết kế các dự án xây dựng và cơ sở hạ tầng chất lượng cao hơn với chi phí thấp hơn, do đó, cho phép các công ty trong ngành công nghiệp AEC tạo ra sự khác biệt trên thị trường và duy trì khả năng cạnh tranh trước những thách thức.
Xin cảm ơn ông!