KTĐT - Sân Thái học trong Văn Miếu - Quốc Tử Giám (ngày 23/4) đã không đủ chỗ cho các bạn đọc trẻ đến tham dựcác hoạt động của "Ngày hội đọc sách Việt Nam" lần đầu tiên được tổ chức ở quy mô toàn quốc.
Một ngày để văn hóa đọc trong người Việt thời công nghệ thông tin. Xem ra là quá ít, nhưng sẽ là điểm bắt đầu cho hành trình nâng cao và tôn vinh văn hóa đọc lâu dài.
Ngày hội Đọc sách diễn ra đúng vào Ngày Sách và Bản quyền thế giới nhằm tôn vinh sách và quảng bá cho văn hóa đọc cũng như bảo vệ quyền lợi của những người làm sách chân chính. Đây là lần đầu tiên, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xây dựng và trực tiếp triển khai Đề án tổ chức Ngày hội Đọc sách Việt
Khoảng 40 đơn vị gồm các NXB, thư viện công cộng trong cả nước, các công ty sách và nhà sách đã "hội quân" trong sân Thái học, trong chủ đề "Đọc sách cho ngày mai". Tại đây, các đơn vị xuất bản, thư viện, các công ty sách đã trưng bày, quảng bá, tôn vinh sách và văn hóa đọc. Nhiều nhà xuất bản đã trưng bày, quảng bá các ấn phẩm của mình, giới thiệu sách mới, sách hay. Bên cạnh nội dung triển lãm còn là các cuộc thi với nhiều phần thưởng thú vị: thi nghệ thuật xếp sách; vẽ tranh theo sách; tìm hiểu kiến thức qua sách, báo; đọc và viết thu hoạch về cuốn sách yêu thích; đăng đàn giới thiệu về cuốn sách yêu thích... Nổi bật trong ngày hội là chương trình "Nhà văn và tác phẩm" của Ban Nhà văn trẻ (Hội Nhà văn Việt Nam) với sự tham gia trình diễn của các tác giả trẻ,trongđócóphầntrìnhdiễn văn xuôi truyện ngắn "Phố núi" của Phong Ðiệp và trích đoạn tiểu thuyết "Kín" của Nguyễn Ðình Tú... Bên cạnh sự có mặt của các nhà văn nhiều thế hệ thì lực lượng chủ đạo trong ngày hội là sinh viên các trường đại học. Các hoạt động của ngày hội diễn ra khá phong phú, đặc biệt, hai "giờ vàng" tặng sách đã thu hút một lượng lớn công chúng, chủ yếu là giới trẻ. Và khoảng 5.000 cuốn sách đã được gửi tới bạn đọc, các thư viện vùng xa dịp này.
Với thông điệp "Đọc sách cho ngày mai", Ban tổ chức muốn nhấn mạnh, bắt đầu từ năm nay, ngày 23/4 hàng năm sẽ là ngày tôn vinh sách, tôn vinh văn hóa đọc. Những người làm văn hóa muốn khởi động để xóa dần đi khoảng trống trong văn hóa đọc hiện tại. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhìn nhận: "Ngày nay sự đọc hơn hẳn ngày trước, nhưng văn hóa đọc có nhiều chuyện phải bàn. Sống trong thời đại bùng nổ thông tin, nhiều thông tin quá nếu không có văn hóa đọc chúng ta sẽ bị chết chìm trong biển thông tin. Chính vì vậy, văn hóa đọc - tức là đọc một cách có văn hóa cần phải được lan rộng ra toàn xã hội". Một ngày, nhưng khởi động nhiều kỳ vọng, mà kỳ vọng đầu tiên là Ngày hội đọc sách sẽ là "cú hích" góp phần thúc đẩy văn hóa đọc ở Việt Nam. Bởi cùng ngày này, Ngày hội đọc sách và các hoạt động nâng cao văn hóa đọc cũng sẽ được tổ chức với các mức độ khác nhau tại thư viện các tỉnh và thành phố, các nhà sách, nhà xuất bản, các cơ quan, tổ chức trên phạm vi cả nước.
Một ngày dành cho việc đọc sách và "gọi" văn hóa đọc trở lại quả là chưa đủ. Nhưng không thể phủ nhận, đó là một nỗ lực đáng giá trong thời công nghệ thông tin và bùng nổ internet bây giờ. Mặc dù lần đầu tiên trình diện này, Ngày hội đọc sách ít nhiều có những lúng túng trong công tác tổ chức, nhưng đã bước đầu xây dựng một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, tạo tiền đề cho hoạt động này diễn ra định kỳ các năm sau, một khởi đầu để biến thành ngày hội của toàn dân. Mong sao từ giờ, "Ngày hội đọc sách" chỉ một ngày, nhưng việc đọc sách sẽ là chuyện quanh năm suốt tháng.