Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một nhà cách mạng được tôn phong làm Thành Hoàng làng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Yêu mảnh đất được kiến tạo nên từ ý tưởng của người thanh niên cách mạng Nguyễn Tạo năm nào, các thế hệ người dân Làng Thủy Lạc đã lưu truyền ước nguyện được tôn cụ Nguyễn Tạo làm Thành Hoàng làng để được đời đời thờ phụng và ghi nhớ công ơn của cụ.

Thủy Lạc là một làng quê trù phú hiền hòa thuộc xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Nằm bên cửa sông Hồng, vào khoảng những năm 30 của thế kỷ trước làng còn là vùng đất ngập nước hoang vu. Một người thanh niên trí thức quê ở Hà Tĩnh đến đây vận động bà con di dân ra bãi, khai hoang lập ấp. Người thanh niên này còn thuyết phục chính quyền sở tại chu cấp một số nhu yếu phẩm và vật dụng cần thiết đáp ứng những nhu cầu ban đầu của việc di dân.
 
Giờ đây Thủy Lạc đã là một vùng quê trù phú, đông đúc. Yêu mảnh đất mà mình đã kiến tạo nên bắt đầu từ ý tưởng của người thanh niên cách mạng, các thế hệ người dân Làng Thủy Lạc đã lưu truyền cho con cháu ước nguyện được tôn cụ Nguyễn Tạo - người thanh niên Hà Tĩnh năm nào - làm Thành Hoàng làng để được đời đời thờ phụng và ghi nhớ công ơn khai sinh ra làng.
 
Mặc dù năm 2005, làng đã dựng bia thờ và năm 2010 tôn tạo lại Đền làng, Bia thờ Thánh Trần Khánh Dư và Bản cảnh Thành Hoàng Nguyễn Tạo, đặt sát cạnh Đền, nhưng người dân Thủy Lạc vẫn chưa biết gì nhiều về cụ Nguyễn Tạo. Mới đây, một cố vấn khi đi khảo sát lập quy hoạch vùng biển ngập mặn Tiền Hải - Thái Bình đã cho cho dân làng biết rằng ông Nguyễn Tạo là một nhà cách mạng, mộ của ông nằm trong Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội. Dân làng cử người lên Mai Dịch và tìm gặp các cơ quan có thẩm quyền, và được biết đây chính là ông Nguyễn Tạo từng có thời gian hoạt động bí mật ở Tiền Hải - Thái Bình vào đúng thời kỳ “người thanh niên trí thức Hà Tĩnh - Nguyễn Tạo” vận động những vị thủy tổ làng Thủy Lạc di dân lập ấp.
 
Là con một nhà nho làm nghề thuốc nổi tiếng ở Hà Tĩnh, ông Nguyễn Tạo tham gia cách mạng giải phóng dân tộc từ rất sớm. Ông nhiều lần bị thực dân Pháp bắt và giam ở Hỏa Lò, Buôn Mê Thuật, Lao Bảo. Sau này ông giữ nhiều trọng trách. Khi làm Bộ trưởng Bộ Lâm nghiệp, ông để lại dấu ấn như thành lập Rừng quốc gia Cúc Phương, thành lập Viện nghiên cứu Lâm nghiệp, thành lập lực lượng Kiểm lâm Việt Nam...
 
Tìm ra được đúng danh tính người mà dân làng qua nhiều thế hệ muốn tôn thờ làm Thành hoàng của làng, Chi bộ Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân làng Thủy Lạc đã đồng lòng nhất trí đề nghị cấp trên chính thức công nhận cụ Nguyễn Tạo là Thành Hoàng làng Thủy Lạc.
 
5h30 ngày 11/8 vừa qua, làng cử một đoàn đại biểu lên thắp hương bàn thờ cụ Nguyễn Tạo tại 125 Lò Đúc - Hà Nội rồi xin thỉnh chân nhang, lập bài vị cụ Nguyễn Tạo, rước về Đền làng chính thức thờ Cụ.