Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Một phụ nữ 52 tuổi lần đầu sinh con

Chia sẻ Zalo

Lấy chồng muộn, nhưng sau hơn 10 năm kết hôn, chị Trần Thị P trải qua rất nhiều lần mang thai, sẩy thai mà vẫn chưa thể có một mụn con.

Năm 2015, chị đã sinh con khi đã bước vào tuổi 52. Đây là một trong những trường hợp phụ nữ cao tuổi nhất tại Việt Nam được can thiệp chữa vô sinh thành công.

Thông tin trên được Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản IVF - Bệnh viện Bưu điện cho biết tại Hội thảo tư vấn miễn phí về vô sinh, hiếm muộn cho những cặp vợ chồng đang mong con.
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã có con sau nhiều tháng năm mong mỏi, nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh ngày càng hiệu quả. Ảnh: N.T
Nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn đã có con sau nhiều tháng năm mong mỏi, nhờ các phương pháp hỗ trợ sinh sản, điều trị vô sinh ngày càng hiệu quả. Ảnh: N.T
Theo BS Nhã, tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn đang ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy ở nước ta hiện có 7,7% cặp vợ chồng bị hiếm muộn. Đáng nói, sự hiểu biết của các cặp vợ chồng về hiếm muộn vẫn còn rất hạn chế. Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau, quan hệ tình dục bình thường sau 3 - 4 năm không có thai tự nhiên mới đến viện khám. Hay có những cặp vợ chồng nôn nóng mong con đến mức, sau 3 - 4 tháng kết hôn chưa có con đã vội vàng đi khám.

“Nếu một cặp vợ chồng sinh hoạt tình dục bình thường không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà trong 6 tháng (với người dưới 30 tuổi) hoặc 12 tháng (trên 30 tuổi) vẫn chưa có em bé thì được coi là hiếm muộn và lúc này nên đi khám để tìm ra nguyên nhân điều trị”, BS Nhã cho biết.

Hiện nay, đã có rất nhiều phương pháp vượt trội trong điều trị hiếm muộn và kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, giúp nhiều cặp đôi hiếm muốn có được mụn con. Vì thế, khi nhận biết được tình trạng hiếm muộn, các cặp vợ chồng nên đi khám sớm để có biện pháp can thiệp y khoa phù hợp và điều trị thành công.

Tại Việt Nam, các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn hiệu quả nhất hiện nay gồm: IVF/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng), kỹ thuật PESA/ICSI (thụ tinh trong ống nghiệm bằng tinh trùng lấy từ mào tinh hoàn có tỷ lệ thành công lên đến 50-60%.

TS Nhã chia sẻ về thành công của nhiều trường hợp đặc biệt như bệnh nhân vô sinh nam có tinh trùng bất động 100% hay ca sản phụ lớn tuổi mang thai khi đã 52 tuổi...

Đặc biệt, ca mang thai 52 tuổi của bệnh nhân Trần Thị P sau hơn 10 năm mòn mỏi chữa vô sinh, cả bệnh nhân, người nhà đều òa khóc khi đón bé gái vào cuối năm 2015 vừa rồi. “Những tưởng chị P không còn cơ hội làm mẹ vì tuổi càng cao, tỉ lệ thụ thai tự nhiên càng khó, IVF lại càng khó hơn. Nhưng may mắn đã đến với bệnh nhân. Tôi cho rằng đây là một trong những ca chữa thành công vô sinh lớn tuổi nhất ở Việt Nam”, BS Nhã nói.