Kết quả một nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Y tế Canada ngày 11/11, cho biết những loại dầu thực vật có nồng độ axit béo omega-6 cao và nồng độ axit béo omega-3 thấp như dầu ngô và dầu cây rum (safflower) dường như có tác dụng làm giảm mức cholesterol hơn so với các loại dầu khác, tuy nhiên có thể làm tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Nhóm đối tượng tham gia nghiên cứu đã sử dụng dầu hoặc bơ cây rum thay chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn của họ và kết quả đã có mức cholesterol trong máu giảm từ 8-13% so với trước khi tham gia nghiên cứu, nhưng tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch và động mạch vành cũng tăng đáng kể. Từ năm 2009, Cục thực phẩm thuộc Bộ Y tế Canada đã chấp thuận yêu cầu của ngành công nghiệp thực phẩm ghi nhãn dầu thực vật làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch do làm giảm lượng cholesterol trong máu. Tuy nhiên, với nghiên cứu mới nói trên, các tác giả đã khuyến nghị Bộ Y tế Canada xem xét lại những hướng dẫn ghi nhãn trên. Tiến sỹ Richard Bazinet thuộc trường Đại học Toronto và tiến sỹ Michael Chu thuộc trường Đại học Western khẳng định rằng việc đánh giá cẩn thận những bằng chứng gần đây cho thấy các loại dầu thực vật có nồng độ axit linoleic omega-6 cao nhưng có nồng độ axit linoleic omega-3 thấp không thể đảm bảo lợi ích cho sức khỏe con người. Theo chuyên gia dinh dưỡng Rosie Schwartz, mức cholesterol cao trong máu không phải là yếu tố duy nhất gây nguy cơ mắc bệnh tim. Viêm động mạch cũng là một yếu tố rủi ro, và omega 3 có thể ngăn ngừa yếu tố này. Vì vậy, người tiêu dùng cần đảm bảo chế độ ăn có cả axit béo omega 6 lẫn omega 3. Nếu sử dụng quá nhiều axit béo omega 6, tỷ lệ mắc bệnh tim mạch sẽ tăng lên vì axit béo omega 3 chống viêm, còn axit béo omega 6 gây viêm. Các chuyên gia khuyên người tiêu dùng lựa chọn sử dụng dầu ôliu và dầu hạt cải (canola) có hai loại axit béo omega 6 lẫn omega 3 cân bằng lẫn nhau.