Tại buổi tiếp xúc giữa Đoàn doanh nghiệp Ấn Độ gồm khoảng 50 thương nhân với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (Vnrea) cuối tuần qua, ông Đoàn Duy Khương, Phó chủ tịch VCCI cho biết, nhiều cơ hội hợp tác đang mở ra cho nhà đầu tư nước ngoài tại thị trường bất động sản và xây dựng Việt Nam hiện nay, khi nhiều dự án đã sẵn đầu ra đang cần vốn đề triển khai.
Theo ông Sachin Kulkarni, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản và Xây dựng Ấn Độ, doanh nghiệp Ấn Độ sở hữu những công nghệ xây dựng tiên tiến và nguồn tài chính dồi dào. Đó có thể là nguồn lực bổ sung đáng kể cho thị trường bất động sản Việt Nam, nếu nhà đầu tư hai nước tìm được tiếng nói chung. Doanh nghiệp Ấn Độ cũng có nhiều bạn hàng, đối tác có kinh nghiệm kinh doanh trong lĩnh những lĩnh vực này.
“Chuyến thăm và làm việc của những nhà đầu tư bất động sản Ấn Độ là cánh cửa mở ra những cơ hội hợp tác mới cho những nhà đầu tư trong nước”, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Vnrea nói và cho biết, sau buổi tiếp xúc ở diện rộng, Vnrea sẽ xúc tiến các buổi làm việc cụ thể giữa các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm đầu tư vào từng dự án. Các bên sẽ có những thỏa thuận cụ thể để nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các dự án.
Trước đó, tại Hội nghị chuyên đề “Bất động sản Việt Nam 20 năm nhìn lại và 2 năm hướng tới” do Phòng thương mại và công nghiệp Australia (Auscham) tổ chức tại Hà Nội hôm 9/9, ông Marc Townsend, Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam cho rằng, hiện tại, các chỉ số kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản đang đi đúng hướng. Cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn tiếp tục thay đổi gây kinh ngạc. Các quỹ đầu tư tiếp tục thoái vốn. Các quỹ này cũng quan tâm tìm mua những tài sản tốt với mức giá phải chăng. Tuy nhiên, những tài sản này không thực sự nhiều.
Trao đổi với phóng viên về dự án nhà ở có quy mô hơn 400 triệu USD tại phường Văn Phú, quận Hà Đông, nguồn tin từ dự án cho biết, thời gian qua, chủ đầu tư có gặp khó khăn về vốn, nhưng không có ý định bán lại dự án.
Theo nguồn tin trên, nếu bán lại dự án vào thời điểm này, chủ đầu tư hoàn toàn có thể có lãi, vì dự án được cấp đất từ nhiều năm trước với giá đất thấp. Tuy nhiên, tham vọng của các ông chủ này nhiều hơn thế, đó là đầu tư xây dựng dự án đến cùng, dù chưa xác định đó là thời điểm nào.
Trên thực tế, trên địa bàn TP. Hà Nội, có khá nhiều dự án bất động sản đang gặp khó khăn hoặc phải nằm bất động nhiều tháng qua, như Usilk City (đường Lê Văn Lương, quận Hà Đông), Habico Tower (đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm), Booyoung Vina (Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông)… Tuy nhiên, những người có tiền muốn mua lại các dự án này không dễ.
Ông Lê Xuân Trường, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Lạc Hồng (đơn vị tham gia hợp tác đầu tư tại một số dự án bất động sản) cũng cho biết, thị trường bất động sản chững lại, nhưng việc tìm kiếm dự án có mức giá tốt để mua lại không dễ. Nhiều chủ đầu tư dự án, tuy gặp khó khăn, nhưng không tính đến việc bán dự án, dù là bán có lãi.
Theo ông Trường, nguyên nhân chính dẫn đến việc chủ đầu tư trì hoãn việc bán dự án là, dù không thể triển khai dự án vào thời điểm hiện tại, nhưng giá trị của bất động sản vẫn tăng qua từng năm. Chủ đầu tư kỳ vọng, khi thị trường phát triển trở lại, họ có thể xây dựng tiếp hoặc nếu bán cũng có lời hơn.
Ảnh minh họa.
|
Các thương vụ mua lại dự án tiêu biểu từ đầu năm 2014 đến nay -Tập đoàn Tung Shing của Hồng Kông mua 53% cổ phần Khách sạn Movenpick Sài Gòn; -Lotte Mart của Hàn Quốc mua lại Pico Plaza Hà Nội; - Một doanh nghiệp Israel đầu tư 300 triệu USD vào Dự án Khu du lịch Bãi Rồng Resort và đổi tên thành Alma Resort; -Tập đoàn Him Lam mua lại dự án của Hoàng An Gia Lai tại quận Thủ Đức,TP.HCM; -Đất Xanh mua lại Dự án Water Garden từ Công ty cổ phần Phát triển hạ tầng và bất động sản Thái Bình Dương (PPI)… -Tổng số tiền chuyển nhượng từ các dự án xấp xỉ 600 triệu USD. |