Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Múa cổ mở hội sau 15 năm khai phá

Bài, ảnh: Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Những điệu múa cổ có từ ngàn đời của mảnh đất Thăng Long – Hà Nội tưởng đã thất truyền. Thế nhưng, nhiều năm nay, vào ngày 10/10, nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô, múa Trống Bồng của xã Tân Triều, múa rắn lột phường Việt Hưng… lại rộn ràng vũ điệu trước tượng đài Lý Thái Tổ.

Biểu diễn múa Trống Bồng của xã Tân Triều, huyện Thanh Trì. 

Theo ông Bằng Việt – Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Hà Nội, từ năm 2000 đến nay, Hội Nghệ sĩ múa Hà Nội đã phục hồi được 48 điệu múa cổ. Cũng như mọi năm, năm nay, đơn vị đã chọn ra 8 điệu múa đặc sắc nhất để giới thiệu đến công chúng Thủ đô. Trong không gian khoáng đạt tại vườn hoa Lý Thái Tổ, những nghệ nhân của các làng, hoặc các phường của Thủ đô lại rộn ràng trình diễn trống cổ của làng Phú Mỹ, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên; múa trống bồng và múa rồng - chạy cờ của làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì; múa rắn lột của phường Việt Hưng, quận Long Biên; hò cửa đình của làng Phú Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên; hát chầu văn của nghệ sĩ Tuyết Tuyết; độc tấu nhạc cụ dân tộc của nghệ sĩ Bá Nha, hát xẩm của nghệ sĩ ưu tú Kim Dung. Trong đó, điệu múa trống bồng có sự phóng khoáng, hồn nhiên, rộn ràng, do các nam thanh niên giả làm gái biểu diễn. Đây là điệu múa độc đáo của làng Triều Khúc vì quy ước của làng là người múa phải có tài, tuấn tú, chưa vợ, phải mặc trang phục nữ. Hay điệu múa rắn lột của phường Việt Hưng đều do các thanh niên biểu diễn, thể hiện sự biết ơn đối với thần Linh Lang, một tướng quân thời Lý.
15 năm qua, trong quá trình phục hồi, có những câu chuyện “cười ra nước mắt”. Việc sưu tầm múa cổ truyền thống Hà Nội không hề đơn giản. Nhiều đồ “giả cổ” đã được tạo nên không nằm ngoài mục đích đưa điệu múa đó vào danh sách. Vì thế, trên thực tế, đoàn nghiên cứu có thể đã dựng sách, thẩm tra đến gần 200 điệu múa được các làng thông báo là múa cổ, nhưng rồi chỉ có đến 48 điệu múa được xác định là thật sự cổ. Đó là chưa kể, trong 48 điệu múa này, chỉ có chưa đến 10 điệu múa chỉ Hà Nội mới có, số còn lại từng xuất hiện rộng rãi ở nhiều địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Đã nhiều năm, Liên hoan múa cổ được tổ chức, nhưng năm 2016, cuộc trình diễn của các nghệ sĩ múa Hà Nội và nghệ sĩ các thôn làng đã giới thiệu đến người dân cái nhìn tổng quan về nghệ thuật múa Hà Nội, những ưu thế, tinh hoa của nghệ thuật múa Hà Nội so với các tỉnh khác trong cả nước. Trong không gian của khu phố đi bộ quanh Hồ Gươm cần rất nhiều các hoạt động mang đặc trưng của Hà Nội như thế.