Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mùa gặt - đến hẹn lại lo

Ánh Ngọc – Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời điểm này, tại các huyện ngoại thành Hà Nội, nông dân đang tất bật thu hoạch lúa Xuân. Nhờ thời tiết thuận lợi, lúa đạt năng suất cao và bán được giá nên nông dân rất phấn khởi.

Thu hoạch lúa ở xã Vạn Thái, Ứng Hòa. Ảnh: Ánh Ngọc
Được mùa, được giá
Những ngày này, trên khắp các xứ đồng của xã Đốc Tín (huyện Mỹ Đức), nhiều máy gặt đang hoạt động hết công suất. Vụ Xuân năm nay, toàn xã gieo cấy hơn 300ha, trong đó có 50ha lúa chất lượng cao J02 được ngành nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ giống lúa, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm. Niềm vui được nhân lên bởi đầu ra của lúa khá thuận lợi. Ông Lương Văn Hùng, xã Đốc Tín chia sẻ: “Gia đình tôi cấy gần một mẫu lúa, trong đó hơn một nửa diện tích gieo cấy giống lúa Nhật JO2. Lúa vừa gặt lên tới bờ là có thương lái nhận thu mua thóc tươi ngay với giá trung bình 5.500 đồng/kg.”
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, năng suất lúa vụ Xuân 2019 dự kiến đạt 60,5 tạ/ha. Tính đến hết ngày 29/5, toàn TP đã thu hoạch được 70% diện tích lúa Xuân. Trong đó, một số huyện thu hoạch sớm như: Ba Vì (95%), Sơn Tây (90%), Mỹ Đức (80%), Ứng Hòa (70%). Dự kiến đến hết 5/6, toàn TP hoàn thành thu hoạch lúa Xuân.

Tại huyện Ứng Hòa, đến thời điểm này, toàn huyện đã thu hoạch được 70% diện tích lúa Xuân, năng suất bình quân đạt 62 tạ/ha. Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi cho hay, vụ Xuân năm 2019, toàn huyện gieo cấy 10.000ha lúa, trong đó hơn 2.500ha lúa chất lượng cao J02 có liên kết với DN bao tiêu sản phẩm. Được sự hỗ trợ của huyện, từ vụ Xuân 2018, HTX sản xuất kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết đã thu mua toàn bộ thóc tươi giống J02 cho nông dân với giá cam kết cao hơn thị trường. “Hầu hết sản lượng lúa J02 của các xã trên địa bàn huyện đều được HTX Đoàn Kết thu mua tươi, gom về sấy, xay xát theo quy trình khép kín, hiện đại” – bà Tươi nhấn mạnh.

Thiếu sân phơi, lò sấy thóc

Khảo sát thực tế của phóng viên cho thấy, mặc dù nhiều địa phương đã chủ động kêu gọi, kết nối với DN bao tiêu thóc cho nông dân, song sản lượng được tiêu thụ thông qua hợp đồng vẫn ở mức khiêm tốn. Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng, lượng thóc vụ Xuân được DN thu mua chỉ chiếm chưa đến 10% tổng sản lượng. Nguyên nhân là do tâm lý “ăn chắc mặc bền” của đa số bà con, vừa phòng vụ sau mất mùa vừa mong muốn tích trữ lúa chờ giá cao mới bán. Điều này dẫn đến việc nhiều địa phương lâm vào cảnh thiếu sân phơi, lò sấy thóc. Hiện, trên địa bàn huyện có duy nhất HTX Nông nghiệp Hương Ngải đầu tư hệ thống máy sấy thóc, tuy nhiên, công suất của máy nhỏ, chỉ đáp ứng được một phần sản lượng thóc của bà con trong xã.

Bà Nguyễn Thị Liên, xã Bình Phú, huyện Thạch Thất bộc bạch, với khối lượng gần 2 tấn thóc, việc tìm điểm phơi đang là nỗi lo thường trực của gia đình. Để phơi thóc bà phải đầu tư 4 tấm bạt lớn rồi mang ra vỉa hè đường quốc lộ phơi. “Vẫn biết phơi thóc ở vỉa hè, lòng đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông nhưng vì điều kiện gia đình chật hẹp nên cũng không còn cách nào khác” – bà Liên phân trần. Đây là thực trạng chung diễn ra tại khu vực ngoại thành hiện nay. Đến hẹn lại lên, mùa thu hoạch lúa rộ cũng là thời điểm trên nhiều tuyến đường từ quốc lộ, tỉnh lộ tràn lan cảnh người dân mang thóc ra đường phơi.

Ngay cả những HTX đầu tư lò sấy cũng lo ngay ngáy mỗi khi ngày mùa đến khi chi phí xây dựng lò sấy thóc công nghiệp lớn, lại phải thuê mặt bằng mà thời gian sử dụng ngắn chỉ khoảng 2 tháng. Giám đốc HTX sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Đoàn Kết Cao Thị Thủy cho biết, với công tối đa, HTX có thể sấy, xay xát 40 – 50 tấn thóc/ngày. Tuy nhiên, HTX đang gặp khó khăn về mặt bằng, không để giải quyết một lượng lớn thóc tươi cho bà con vào vụ thu hoạch rộ hay gặp thời tiết mưa nhiều. Mong muốn của HTX là được các cấp quan tâm hỗ trợ mặt bằng cho xây dựng lò sấy, kho dự trữ cố định, để tăng lượng sấy thuê cũng như thu mua tạm trữ thóc cho bà con trong vùng.