Mua lại và xóa trạm thu phí BOT: Doanh nghiệp, người dân đều hưởng lợi?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Vừa qua, tỉnh Bình Dương đã quyết định dùng ngân sách để mua lại và xóa bỏ trạm BOT An Phú đường ĐT 743 (thị xã Thuận An) do Công ty CP Vật liệu và Xây dựng Bình Dương quản lý.

Với quyết định này, tỉnh Bình Dương đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo Nhân dân trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Mua lại, xóa bỏ, nâng cấp

Lý giải về quyết định dùng tiền ngân sách địa phương mua lại trạm thu phí BOT An Phú, ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, việc mua lại quyền thu phí sau đó xóa bỏ sẽ giúp mở rộng đường, giải quyết ùn tắc cho người dân, tạo điều kiện kết nối giữa thị xã Thận An với TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước và Campuchia.
Bên cạnh đó, dự án đã nằm trong chủ trương và quy hoạch chung đã được Chính phủ phê duyệt và khi hoàn thành sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh. Được biết, ngoài việc mua lại trạm thu phí BOT Thuận An, tỉnh Bình Dương đã dừng kế hoạch lập 2 trạm BOT, đồng thời khẳng định trong tương lai sẽ tiếp tục rà soát và xóa bỏ nhiều trạm thu phí khác.
 Công nhân tháo dỡ trạm thu phí BOT An Phú  đường ĐT 743.
Cũng theo ông Trần Thanh Liêm, sau khi hoàn thành việc mua lại hợp đồng thu phí, tỉnh Bình Dương sẽ tiến hành mở rộng, nâng cấp công suất tuyến đường này từ 6 làn xe lên 8 làn xe, bổ sung các cầu vượt tại các nút giao là điểm nóng thường kẹt xe như ngã sáu An Phú, ngã tư 550 và nút giao Sóng Thần... với tổng mức đầu tư khoảng 1.330 tỷ đồng. Và quan trọng hơn, sau khi dự án hoàn thành, Bình Dương sẽ không thu phí tuyến đường này. Được biết, một phần tổng mức đầu tư của dự án sẽ được trích từ nguồn ngân sách tỉnh và phần còn lại là nguồn kêu gọi từ các DN đầu tư đang xây dựng phát triển đô thị, khu công nghiệp có tuyến đường đi qua. Và đổi lại, tỉnh Bình Dương sẽ có các chính sách để đảm bảo hoàn lại vốn cho nhà đầu tư nhưng không phải bằng cách thu phí. Như vậy, việc không thu phí sẽ không làm tăng gánh nặng cho người dân, DN nhưng việc đầu tư các tuyến đường này sẽ là nhân tố quan trọng cho các khu công nghiệp, đô thị trên địa bàn phát triển nhanh chóng.

Đến thời của PPP?

Theo ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc Bình Dương bỏ tiền ngân sách của địa phương mua lại trạm thu phí rồi xóa bỏ để giảm gánh nặng cho người dân là điều rất tốt. Cũng theo ông Huyện, không riêng ở Bình Dương mà ngay cả với nhiều trạm thu phí khác, nếu Nhà nước có đủ ngân sách để mua lại ông cũng hoàn toàn ủng hộ.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho rằng, việc tỉnh Bình Dương quyết định mua lại trạm thu phí… rồi xóa bỏ và nâng cấp tuyến đường không thu phí khi hoàn thành là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, “ếch nào mà chẳng là thịt”, tiền ngân sách của tỉnh Bình Dương cũng là tiền của dân. Hay nói cách khác, tỉnh Bình Dương đang lấy tiền của dân đem chia lại cho dân thông qua việc đi trên đường không mất tiền.
Như đã nói, ngoài mua một trạm thu phí BOT để xóa bỏ, tỉnh Bình Dương cũng dừng xây dựng 2 trạm thu phí BOT khác và chuyển hướng xây dựng các tuyến đường xây dựng theo phương thức BOT sang PPP (hình thức đối tác công - tư). Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng, phải chăng phong trào ồ ạt đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT đã đến giai đoạn thoái trào và đây là thời kỳ của các dự án PPP.
Trước những ý kiến trên, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, trong hoàn cảnh nguồn ngân sách còn khó khăn mà thời hạn hoàn thành phát triển hệ thống đường cao tốc đang đến gần thì hình thức đầu tư phát triển hạ tầng giao thông theo hình thức BOT vẫn là lựa chọn tối ưu. Tuy nhiên, các cơ quan có chức năng nên định hướng đầu tư, chỉ nên áp dụng hình thức BOT trên các tuyến đường mới, và những tuyến đường cũ chỉ nên áp dụng hình thức PPP.

Tránh lợi ích nhóm

Liên quan đến việc tỉnh Bình Dương quyết định mua lại trạm thu phí Thuận An, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Nhật cho rằng, việc mua lại các trạm thu phí BOT cần phải thực hiện theo các quy định chung của toàn quốc. Tỉnh bỏ tiền của mình ra mua trạm thu phí mà không phải lấy nguồn ngân sách của T.Ư là điều rất hoan nghênh. Tuy nhiên, cần phải làm rõ nguồn ngân sách để mua trạm thu phí BOT từ đâu ra. Bởi, nguồn ngân sách địa phương cũng nằm trong nguồn ngân sách chung của toàn quốc. “Thậm chí, địa phương mặc dù có nguồn tiền nhưng cũng phải cân nhắc xem còn nhiều nhiệm vụ KT - XH quan trọng khác cần phải ưu tiên đầu tư hơn” - Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho hay.
Lý giải về việc đề nghị các địa phương cân nhắc khi xem xét việc mua lại các trạm thu phí, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh, sở dĩ cần phải làm rõ nguồn ngân sách địa phương bỏ ra mua trạm thu phí đó vì điều này rất quan trọng trong việc minh bạch tài chính. “Chủ tịch của một tỉnh chơi thân với DN đầu tư dự án BOT đó, thậm chí chủ đầu tư BOT là con hay cháu của ông chủ tịch này, vì vậy, chủ tịch tỉnh muốn bỏ tiền ngân sách địa phương ra để mua lại trạm thu phí BOT, qua đó cho người nhà mình thu hồi vốn nhanh thì vấn đề này không thể được, cần phải xem xét kỹ. Do đó, cần phải làm rõ mối quan hệ của tỉnh đó, lãnh đạo tỉnh đó với các nhà đầu tư BOT này như thế nào?” – Thứ trưởng Nguyễn Nhật nêu ví dụ.
Tuy nhiên, đáp lại những lập luận của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết, theo số liệu thống kê của Bộ GTVT, hiện cả nước có 96 trạm thu phí đang và sẽ thu phí khi các dự án BOT hoàn thành và đưa vào sử dụng (đã ký hợp đồng BOT). Trong đó, có 83 trạm do Bộ GTVT ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT, 13 trạm do UBND các tỉnh ký hợp đồng với các nhà đầu tư BOT. “Nhưng từ ví dụ của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã cho thấy những bất cập đang tồn tại ở các dự án BOT, đó là những bất cập về mật độ của các dự án, tổng mức đầu tư, doanh thu thực tế và báo cáo gửi các bộ, ban, ngành” – một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cho biết.
Trở lại vấn đề mua lại trạm, xóa bỏ, đầu tư cải tạo tuyến và không thu phí khi dự án hoàn thành của Bình Dương. Nhiều ý kiến cho rằng, không cần biết tỉnh Bình Dương sử dụng nguồn vốn nào của ngân sách để mua lại trạm thu phí, điều quan trọng nhất đó là quyết định trên đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, góp phần ổn định, phát triển KT – XH trên địa bàn. Và với những người lãnh đạo, đây là điều quan trọng nhất. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần có những tính toán kỹ lưỡng trước khi “phát giá” để mua lại các trạm thu phí, tránh biến việc mua lại các trạm thu phí thành cái bánh, thành nơi ăn chia của một số người có quyền, có chức.
Trạm thu phí An Phú được đầu tư với số vốn hơn 200 tỷ đồng, chủ đầu tư được hoạt động trong thời gian 20 năm để thu hồi vốn. Đến thời điểm được mua lại, trạm thu phí này gần như đã sắp hết thời gian và về cơ bản đã thu hồi được gần hết vốn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần