Mưa lũ đi qua, nhịp sống dần trở lại

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (6/11), mưa đã dứt trên hầu khắp các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Mực nước trên các sông chính cũng đang xuống dần, dù tốc độ nước rút khá chậm.

Nhiều người dân đi qua cầu tràn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3 (huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) - Ảnh Báo Phú Yên.

Theo ghi nhận, hiện chỉ còn 3 tỉnh Đắk Lắk, Bình Định và Phú Yên bị ngập khá nghiêm trọng. Báo cáo ngày 6/11 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương còn khoảng 500 hộ bị ngập, chủ yếu tại huyện Krông Bông. Đáng chú ý, cầu Cư Păm trên tỉnh lộ 9 vẫn đang bị hư hỏng nặng khiến giao thông qua các huyện Krông Bông, Krông Pắc bị gián đoạn.

Tại Phú Yên, 7/10 xã thuộc huyện Tuy An vẫn còn ngập khá sâu. Tương tự, các tuyến tỉnh lộ 640, 636A và 636B qua địa phận 2 huyện Tuy Phước và Phú Cát (Bình Định) vẫn chìm trong nước lũ. Đò và sõng là phương tiện được người dân nơi đây sử dụng chủ yếu trong những ngày qua. Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên khác hầu như chỉ còn bị ngập cục bộ tại một số vùng trũng, thấp...

Dù đã cơ bản đi qua nhưng mưa lũ để lại hậu quả hết sức nặng nề cho các địa phương. Theo thống kê của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai, tính đến chiều 6/11, mưa lũ đã khiến ít nhất 15 người chết (Phú Yên 7 người, Quảng Bình 3 người, Quảng Trị 2 người, Bình Định 2 người, Đắk Lắk 1 người) và 6 người khác hiện vẫn đang mất tích (Quảng Ngãi 3 người, các tỉnh: Quảng Bình, Phú Yên, Kon Tum - mỗi địa phương 1 người).

Khoảng 450 nhà dân đã bị đổ sập, hư hỏng. Gần 12.200ha lúa, hoa màu, cây trồng lâu năm và hàng năm bị nước lũ nhấn chìm khiến năng suất suy giảm. Trên 43.000 con gia súc, gia cầm cũng bị chết, cuốn trôi. Thiệt hại về hệ thống giao thông, công trình thủy lợi dự kiến cũng sẽ rất lớn. Tính đến hôm nay (6/11), mới chỉ có tỉnh Phú Yên thống kê sơ bộ mức độ thiệt hại, và con số (dù chưa đầy đủ) này cũng đã lên tới gần 100 tỷ đồng.

Sau khi tin cuối cùng về áp thấp nhiệt đới được phát đi (tối qua 5/11), các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre đã cho phép các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trở lại. Cùng với Bình Định và Đắk Lắk, Phú Yên đã huy động hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ, trang thiết bị, tích cực hỗ trợ 4.000 hộ dân trở lại địa phương dọn dẹp nhà cửa, vệ sinh môi trường sau khi nước lũ rút.

Ông Phan Thanh Liêm - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định, một trong những địa phương bị ngập nặng nhất trong đợt mưa lũ vừa qua cho biết, trong ngày 5/11, những trường còn lại trên địa bàn 2 huyện bị ảnh hưởng lớn nhất của tỉnh là Tuy Phước và Hoài Ân đã cho học sinh đi học trở lại. Tỉnh lộ 701 - lộ trình bị sạt lở nghiêm trọng cuối cùng trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đang được Sở GTVT tỉnh khẩn trương sửa chữa, dự kiến sẽ được thông xe trong chiều tối này. Nhiều địa phương như Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi cũng đã chủ động cấp phát cây, con giống để giúp đỡ bà con khôi phục sản xuất, dần ổn định cuộc sống.