Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ tại miền Trung: 54 người chết, nhiều địa phương vẫn bị cô lập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Số người chết tại các địa phương bị mưa lũ đã lên tới 54; còn 20 người mất tích; 44 người bị thương. Nhiều địa phương vẫn bị cô lập trong nước lũ suốt nhiều ngày qua...

KTĐT - Số người chết tại các địa phương bị mưa lũ đã lên tới 54; còn 20 người mất tích; 44 người bị thương. Nhiều địa phương vẫn bị cô lập trong nước lũ suốt nhiều ngày qua...

Theo báo cáo của Văn phòng Ban chỉ huy PCLB các địa phương, tính đến 21h đêm qua (20/10) tình hình ngập lụt tại các địa phương vẫn diễn ra nghiêm trọng. Trong đó, Nghệ An: còn 120 xã/ 38.029 hộ bị ngập, trong đó có 35 xã bị cô lập;  Hà Tĩnh còn 183 xã /175.110 hộ bị ngập; 16 xã / 53.520 hộ Quảng Bình còn bị ngập, đã giảm 11 xã so với hôm qua và không còn xã bị cô lập. Tỉnh Thanh Hóa thông báo đến sáng nay (21/10)  không còn hộ bị ngập.

Theo báo cáo giao thông đường bộ đoạn qua Hà Tĩnh đã cơ bản thông xe từ đêm qua . Tuy nhiên, đoạn đường sắt  trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh hiện vẫn còn ngập sâu và bị sạt lở.

Trước những thiệt hại nặng nề về người và của mà đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu, hôm qua Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các Bộ, ngành đã đi thị sát tình hình ngập lụt tại tỉnh Hà Tĩnh, động viên, chia sẻ khó khăn mất mát với  nhân dân vùng bị thiên tai, đồng thời chỉ đạo việc khắc phục hậu quả lũ lụt, khẩn trương ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân.

Công tác tìm kiếm người dân mất tích vẫn đang được tiến hành. Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao cho biết đã có Công điện gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Bru-nây đề nghị liên hệ với các cơ quan chức năng của Bru-nây để xác minh và làm các thủ tục đưa 16 ngư dân của tàu QNg96455-TS (Quảng Ngãi) bị nạn trên biển trong ngày 18/10 và được tàu cứu hộ Bru-nây cứu vớt ngày 19/10 sớm trở về nước.

Tại Nghệ An,  bộ đội Biên phòng tỉnh đã cứu được1 tàu/6 người (HT20245-TS, Hà Tĩnh) bị hỏng máy. Ban chỉ huy PCLB và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh Hà Tĩnh đang tiến hành trục vớt chiếc xe khách bị lũ cuốn trôi tại khu vực huyện Nghi Xuân.  Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCLB và TKCN tỉnh Quảng Ngãi, cho biết đến 10h sáng hôm qua, 5 tàu/79 lao động hoạt động tại khu vực đảo Hoàng Sa đã về bờ an toàn, hiện còn 1 tàu/9 lao động (QNg66478-TS) vẫn đang trú bão tại đảo Trụ Cẩu và vẫn giữ được liên lạc

Hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường sau khi lũ rút cũng đang được chuẩn bị tiến hành. Hàng chục nghin tấn hóa chất khử khuẩn và  túi vệ sinh cá nhân đã được cơ quan chức năng cấp phát đến các địa phương sau khi lũ rút.

Theo báo cáo của Văn phòng thương trực BCH PCLB và TKCN tỉnh Nghệ An, đê tả Lam đoạn từ Km78+400 – Km78+450 bị sạt lở do nước lũ đã được xử lý bằng đóng cọc tre và đắp bao tải đất để bảo đảm an toàn.   Về sự cố sạt đê Rú Tý tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh đến nay không gây thiệt hại về người.

Cùng với công tác khắc phục hậu quả sau lũ, các địa phương vẫn đang tiến hành công tác phòng chống cơn bão số 6 có khả năng ảnh hưởng đến nước ta.
Mưa lũ tại miền Trung: 54 người chết, nhiều địa phương vẫn bị cô lập - Ảnh 1
Đường đi sáng nay của bão số 6. (Ảnh: NCHMF)
 
Hồi 4h sáng nay, vị trí tâm bão số 6 ở vào khoảng 19,1 độ Vĩ Bắc; 117,4 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 600km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần bão mạnh cấp 15, giật cấp 16, cấp 17.

Dự báo đến 4h ngày 22/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 117,5 độ Kinh Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15, giật cấp 16, cấp 17. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 12, cấp 13, vùng gần tâm bão đi qua cấp 14, cấp 15, giật cấp 17. Sóng biển cao từ 12 – 14 mét, biển động dữ dội; vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, biển động mạnh.