Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mưa lũ tại Nam Trung Bộ: Thiệt hại tiếp tục gia tăng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hôm qua 3/11, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa xuống chậm, lượng mưa trên địa bàn các tỉnh đã giảm, song tại nhiều địa phương, vẫn còn hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, giao thông vẫn ách tắc, nhiều xóm làng bị cô lập trong biển nước.

KTĐT - Hôm qua 3/11, lũ trên các sông từ Quảng Nam đến Khánh Hòa xuống chậm, lượng mưa trên địa bàn các tỉnh đã giảm, song tại nhiều địa phương, vẫn còn hàng nghìn ngôi nhà bị ngập, giao thông vẫn ách tắc, nhiều xóm làng bị cô lập trong biển nước.

Tính đến cuối giờ chiều qua, trận lũ lịch sử đã làm 12 người chết, 6 người mất tích, 17.891 ha lúa và hoa màu bị ngập. Thiệt hại ban đầu ước tính hàng trăm tỷ đồng.

 

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, do ảnh hưởng mưa của không khí lạnh tăng cường kết hợp với nhiễu động trong đới gió đông trên cao, từ tối và đêm qua, lũ các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Khánh Hòa lại lên lại. Đợt lũ này có thể kéo dài 2 - 3 ngày; trên các sông từ Thừa Thiên - Huế đến Phú Yên có khả năng xuất hiện một đợt lũ, đỉnh lũ có thể lên mức BĐ2 - BĐ3, có nơi lên trên mức BĐ3. Các tỉnh trên cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ven sông và ngập lụt sâu ở vùng trũng.


Để đối phó với diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ đạo PCLB Trung ương yêu cầu các tỉnh vùng lũ tiếp tục huy động mọi lực lượng, phương tiện, vật tư để tập trung cứu hộ, cứu nạn, tìm kiếm người mất tích; tổ chức thăm hỏi và hỗ trợ gia đình có người bị nạn, nhà bị sập, hư hỏng. Khắc phục sửa chữa các tuyến đường giao thông, nhanh chóng thông xe tại các điểm còn ách tắc. Theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ để chủ động đối phó. Đối với những khu vực nước đã rút, chính quyền địa phương cần chỉ đạo kịp thời công tác vệ sinh môi trường, huy động các lực lượng giúp dân ổn định đời sống.


Phú Yên: Nhiều tuyến đường bị ách tắc


Tính đến cuối giờ chiều qua, tại tỉnh Phú Yên đã có 5 người chết, 1 người mất tích, 4 nhà bị sập, hàng nghìn héc ta lúa, mía, sắn bị đổ ngã. Mưa lớn vẫn tiếp tục đổ xuống làm cho nhiều khu vực dân cư tại các địa phương trong tỉnh bị ngập nước, nhiều tuyến đường bị ách tắc. Để ứng phó với tình trạng ngập lụt, các địa phương đã tổ chức sơ tán được 832hộ/2.730 nhân khẩu dân cư ở vùng ven sông, suối, vùng trũng thấp, vùng cửa sông. Các trường học trong vùng ngập lụt đã cho học sinh nghỉ học. Hiện chính quyền các địa phương đang tiếp tục tiếp cận với người dân vùng bị lũ để nắm tình hình thiệt hại và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.


Trên các tuyến tỉnh lộ vẫn còn nhiều nơi bị ngập, gây ách tắc giao thông như trên các tuyến 641, tuyến 642, tuyến 644, tuyến 645, tuyến 647, tuyến 650, tuyến 645B. Mưa lũ cũng làm 670ha lúa mùa đang thời kỳ làm đòng của tỉnh nàybị ngập, 370ha sắn bị ngập, 2 thuyền đánh cá đang neo đậu ở xã An Hải, huyện Tuy An bị sóng đánh vỡ.


Khánh Hòa: Còn nhiều vùng bị cô lập


Mưa lũ đã làm nhiều xã thuộc thành phố Nha Trang và vùng trũng của các huyện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa bị ngập. Huyện Diên Khánh và huyện Ninh Hòa, mỗi huyện có 15 xã bị ngập. Tình trạng ngập lụt cũng xảy ra tương tự tại thị xã Cam Ranh. Tính đến chiều qua 3/11, tỉnh Khánh Hòa vẫn còn nhiều khu vực bị chia cắt gồm: khu Đồng Rọ Vĩnh Thái, Hòn Một, Bích Đầm, Đầm Bảy, Vũng Ngáng. Theo thống kê của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Khánh Hòa, tính đến cuối giờ chiều qua, toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 5 người chết, 1 người mất tích và 2 người bị thương. Thiệt hại ban đầu do mưa lũ ước tính lên tới 200 tỷ đồng.


Mưa lũ đã gây ngập lụt nặng nhiều nơi trong tỉnh, nặng nhất là TP. Nha Trang, Diên Khánh, có nơi từ 1 - 1,5m. Các tuyến đường chính nối TP với các huyện đều bị chia cắt, nhiều vùng bị cô lập. Mưa lũ đã làm ngập 481 nhà; sập và tốc mái 168 nhà; hư hỏng 27 nhà. Nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch bị sạt lở gây tê liệt giao thông. Đến chiều qua, các tuyến đường đã tạm được khắc phục, có thể hoạt động được. Về nông nghiệp, mưa lũ làm 2.000ha lúa và 1.000ha hoa màu bị ngập; 208ha đìa nuôi thủy sản bị ngập; 9 tàu thuyền bị chìm (đã trục vớt được 1 tàu). Hệ thống thủy lợi bị hư hỏng nghiêm trọng, sạt lở hơn 5.000m3 đất đá và gần 3.300m chiều dài kênh mương… Toàn tỉnh đã di dời 1.525 hộ, 6.452 nhân khẩu đến vùng an toàn.


Để giúp dân đối phó với mưa lũ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã kịp thờitriển khai các biện pháp phòng, chống lũ; bảo vệ an toàn hồ đập và khắc phục hậu quả ban đầu. Cũng trong ngày hôm qua 3/11, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị Trung ương hỗ trợ 100 tấn lúa giống; 500 tấn gạo cứu đói; 500 ngàn viên thuốc khử trùng; 1 tấn Cloramin B và 100 tỷ đồng để khắc phục hậu quả, ổn định sản xuất và đời sống của người dân…


Ninh Thuận: Giao thông gián đoạn


Tính đến chiều hôm qua 3/11, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận còn một số khu vực bị chia cắt gồm: khu vực thôn Phú Thọ thuộc phường Đông Hải; thôn Hòa Thạnh thuộc xã An Hải; khu vực xã Phước Hải. Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức sơ tán 6.554 hộ/26.216 người tại các khu vực Ninh Phước, Ninh Hải, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Thuận Nam, Phan Rang Tháp Chàm đến nơi an toàn.


Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã huy động 365 cán bộ chiến sỹ và trên 300 thanh niên xung kích, dân quân tự vệ, cảnh sát giao thông,14 xe ôtô tập trung cứu hộ đê sông Cái Phan Rang. Ngoài ra huy động 100 CBCS Bộ đội biên phòng tỉnh, 5 xe ôtô, 4 xuồng máy cứu hộ khu vực hồ Ông Kinh, xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải. Tại các tuyến đường liên thôn, liên xã, liên huyện của tỉnh này vẫn còn bị ngập và sạt lở khiến giao thông bị gián đoạn.

 

Thủ tướng Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ NN&PTNT xuất, cấp (không thu tiền) vắc xin, hóa chất dự trữ quốc gia hỗ trợ 9 tỉnh phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, Bộ NN&PTNT sẽ xuất, cấp 150.000 liều vắc xin lở mồm long móng 3 tuýp; 100.000 liều vắc xin tụ huyết trùng trâu, bò; 100.000 liều vắc xin dịch tả lợn; 80.000 lít hóa chất Benkocid; 60.000 lít hóa chất Haniodine thuộc hàng dự trữ quốc gia để hỗ trợ 9 tỉnh, gồm: Tiền Giang, Long An, Hậu Giang, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Quảng Trị.