Không thể đợi thêm
Rất phấn khởi vì mua lại của người quen một căn hộ diện tích hơn 82m2 thuộc Chung cư Viện 103 Văn Quán - Hà Đông với giá chỉ khoảng 14 triệu đồng/m2, trong khi giá gốc là 13,9 triệu đồng/m2, Nguyễn Văn Dũng - Hà Đông, Hà Nội nói như khoe: “Thế là cuối năm sau, vợ chồng em có nhà riêng rồi”.
Chia sẻ niềm vui, Dũng cho biết, cậu vừa lập gia đình đầu năm 2012. Mặc dù gia đình hai bên có “trang bị” cho đôi chút, song vợ chồng Dũng cũng không thể mua nổi nhà. “Cưới xong, gia đình hai bên cho chúng em khoảng 500 triệu đồng. Nhưng thời điểm đó, một căn hộ như bây giờ giá cũng lên tới hơn 2 tỷ đồng. Anh tính, lương hai vợ chồng em mỗi tháng chỉ khoảng 30 triệu đồng, làm sao dám mua. Đành chấp nhận đi thuê… rồi tính tiếp”, Dũng nói.
Nhưng giờ, giá nhà tại Hà Nội nói chung, khu vực Hà Đông nói riêng đã giảm khoảng 30-40%, mở ra cơ hội an cư cho những đôi uyên ương trẻ như Dũng. Theo đó, với số tiền gia đình cho, cộng thêm số tiền hai vợ chồng tích lũy trong hai năm qua, cậu chỉ cần vay thêm bạn bè và người thân một chừng một phần ba nữa cho căn nhà vừa sắm.
Ảnh minh họa.
|
Khi được hỏi: Sao không đợi giá nhà giảm thêm rồi hẵng mua? Dũng cho biết, cậu cũng tính như vậy, nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, chẳng thấy giá nhà hạ thêm, thậm chí nhiều thông tin cho biết, giá nhà khó có thể hạ thêm nữa. Trong khi hiện chi phí thuê nhà cũng phải 4-5 triệu đồng/tháng, mà “nhà của người ta, nên nhiều khi bất tiện lắm. Chẳng dám mua sắm gì cho ra hồn vì không thể theo ý mình được”.
“Kể cả phải vay ngân hàng, chúng em cũng vay để mua, bởi tính ra với số tiền em vay, chi phí trả lãi hàng tháng cũng rẻ chán so với chi phí đi thuê nhà”, Dũng nói.
Suy nghĩ của Dũng cũng là tâm lý của nhiều người dân hiện nay. Song những căn hộ mà nhiều người dân như Dũng nhắm tới là những căn hộ đã hoàn thành, hoặc sắp hoàn thành, có diện tích vừa phải, giá bán hợp lý khoảng từ 13-15 triệu đồng/m2
Giá nhà đã đến đáy?
Giám đốc một DN BĐS cũng nhìn nhận, vẫn biết giá thành sản phẩm BĐS hiện vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của thị trường, còn vượt quá khả năng tài chính của người dân nên mới dẫn tới tình trạng trì trệ, ế ẩm. Nhưng nếu giảm giá hơn nữa, chắc chắn DN sẽ lỗ, thậm chí là nỗ nặng vì giá BĐS hiện nay không chỉ được cấu thành từ chi phí xây dựng, đầu tư hạ tầng cơ sở… mà còn có một khoản chi phí khổng lồ khác mà các chủ đầu tư gọi đó là phí bôi trơn.
Thậm chí theo một nghiên cứu mới đây của Colliers International Việt Nam, giá nhà đất bắt đầu tăng lên và ít có dấu hiệu sẽ giảm trở lại. Giá bất động sản sẽ tiếp tục tăng và trong một số phân khúc, điển hình là phân khúc bất động sản bán lẻ, thị trường đã bắt đầu ấm dần lên.
Thật khó để kết luận giá nhà đất đã chạm đáy hay chưa và cũng không dám bình luận quyết định của Dũng và những người như Dũng là sáng suốt hay không bởi trong bối cảnh thị trường BĐS vẫn ảm đạm như hiện nay và nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cho rằng, giá BĐS vẫn có thể giảm thêm.
Chỉ biết rằng, quyết định của Dũng và nhiều người dân như Dũng đang làm cho thị trường BĐS ấm dần, bắt đầu từ phân khúc nhà ở bình dân.
Theo thống kê, giao dịch trên thị trường BĐS Hà Nội cũng đang sôi động trở lại. Trong đó, thanh khoản tốt nhất tiếp tục tập trung vào phân khúc nhà trung cư giá trung bình, đặc biệt là những căn có diện tích dưới 70m2, giá 12,5-13 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, tại thị trường BĐS TP.HCM, theo Công ty tư vấn BĐS CBRE, trong quý I, lượng giao dịch nhà chung cư tại TP.HCM tăng 9,8% so với quý trước và tăng 92,2% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, phân khúc nhà ở bình dân tiếp tục chiếm lĩnh thị trường với doanh số đạt tỷ lệ cao nhất, ứng với 40,5%.
Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, Marc Townsend cho biết, lượng giao dịch trong 3 tháng qua tăng 92,2% so với cùng kỳ năm 2013 chứng tỏ thị trường căn hộ, đặc biệt là phân khúc nhà ở bình dân có chuyển biến tích cực.