Vừa thiếu vừa chậm triển khai
Vấn đề nhà TĐC trước nay vẫn gây nhiều bức xúc trong dư luận, đặc biệt tại những địa phương dù đang có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất cả nước song lại thiếu nhà TĐC trầm trọng, như ở Hà Nội. Theo báo cáo giám sát công bố tại phiên họp của HĐND TP Hà Nội mới đây, trên địa bàn thành phố có 149 tòa nhà chung cư TĐC với hơn 12.500 căn hộ như khu đô thị TĐC Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy), khu TĐC phường Trần Phú (quận Hoàng Mai), Nhà ở CT1 khu đô thị mới Bắc Linh Đàm, Nhà ở CT1-CT2 khu nhà ở Hoàng Văn Thụ; Dự án tại Phú Diễn (huyện Từ Liêm).
Nhà TĐC thiếu trong khi nhà thương mại thì đang khó khăn cho đầu ra
Báo cáo cho thấy, hiện nay hầu hết các dự án tái định cư đã được Sở Quy hoạch - Kiến trúc chấp thuận nhưng triển khai rất chậm. Một số dự án được phê duyệt đầu tư xây dựng nhà ở TĐC nhưng sau đó lại chuyển đổi mục đích xây dựng. Trong khi đó, giá bán nhà tái định cư thấp hơn giá thị trường dẫn đến dù không có nhu cầu ở, các hộ dân đủ điều kiện và có thể nhận đền bù bằng tiền vẫn đăng ký mua; dẫn đến tình trạng nhu cầu tái định cư “ảo”. Theo đánh giá của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố đang phải đối mặt với những khó khăn, vướng mắc về việc bố trí, cân đối quỹ nhà tái định cư. Hàng năm, các quận, huyện và các chủ đầu tư đăng ký sử dụng quỹ nhà tái định cư rất lớn, vào khoảng 5.000 căn hộ mỗi năm, nhưng thực tế sử dụng chỉ khoảng 1.000 căn hộ mỗi năm do không hoàn thành tiến độ giải phóng mặt bằng. Trong khi đó, một số quận, huyện thực hiện giải phóng mặt bằng chậm lấy lý do thiếu quỹ nhà tái định cư, tạo áp lực cho thành phố trong việc bố trí, cân đối quỹ nhà này. Mặt khác, theo thống kê, Hà Nội có tỷ lệ nhà chung cư cao nhất cả nước, lên tới gần 17%. Nhiều dự án chung cư thương mại đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn cho đầu ra vì không có ai mua. Đây cũng là bức tranh chung ở những đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Mua nhà thương mại để bố trí nhà tái định cư Trước tình hình đó, để giải quyết các vướng mắc của nhà TĐC trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đã ký trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành Nghị định về phát triển và quản lý nhà TĐC. Đáng chú ý, đây là lần đầu tiên vấn đề quy định mua nhà thương mại để bố trí nhà TĐC đã được pháp lý hóa. Theo đó, chủ đầu tư dự án TĐC lập phương án mua nhà ở thương mại làm nhà TĐC, trong đó nêu rõ địa điểm mua, số lượng, dự kiến giá mua, tiến độ bàn giao, trình UBND cấp tỉnh phê duyệt. Về giá mua nhà ở thương mại làm nhà TĐC, trường hợp đất xây dựng nhà ở do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc đất do Nhà nước đã bồi thường thì giá mua nhà ở chỉ bao gồm chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 15%. Trường hợp đất xây dựng nhà ở do chủ đầu tư tự bồi thường thì giá mua nhà ở bao gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư xây dựng nhà ở, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp pháp khác và lợi nhuận định mức tối đa 10%; trường hợp Chủ đầu tư phải nộp tiền sử dụng đất cho Nhà nước thì giá mua nhà ở bao gồm cả tiền sử dụng đất. Nhà ở TĐC là căn hộ nhà chung cư phải đảm bảo tiêu chuẩn diện tích tối thiểu mỗi căn hộ là 30m2 sàn xây dựng với cấu trúc kiểu căn hộ khép kín. Khi thiết kế nhà ở TĐC là nhà chung cư, có thể bố trí một phần diện tích để tổ chức kinh doanh, dịch vụ phù hợp với điều kiện thực tế của từng dự án… Cũng theo dự thảo Nghị định, chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý vận hành nhà chung cư đó. Theo báo cáo của các địa phương, từ nay đến năm 2015, cả nước cần phải có khoảng 18 triệu m2 sàn xây dựng nhà ở để bố trí tái định cư cho các hộ gia đình, cá nhân phục vụ công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất xây dựng công trình cho các mục đích nêu trên.