Trước đây chủ tịch UEFA Michel Platini từng dọa bóng đá Anh: “Những CLB thua lỗ quá nhiều sẽ không được dự Champions League”. Theo ông, những món nợ khổng lồ có thể gây nguy hiểm cho bóng đá châu Âu. Giờ đây, ý tưởng của Platini đang được nghiên cứu một cách nghiêm túc. Nếu được thông qua, nó sẽ là cú đánh hạng nặng vào các CLB Anh.
Man City có lẽ là đội bóng thấy lo ngại nhất về mối nguy này. Theo đề xuất của Platini, một CLB phải cân bằng thu chi trong khoảng thời gian 3 năm sau khi đổi chủ. Thế nhưng Man xanh còn lâu mới làm được điều đó. Mới đây, GĐĐH Garry Cook thừa nhận Man City chưa tính được ngày có thể tự đứng trên đôi chân mình.
The Citizens đang ấp ủ giấc mơ trở thành đội bóng hàng đấu nước Anh. Để làm được điều đó họ phải ném tiền vào thị trường chuyển nhượng để tăng cường lực lượng. Mùa giải 2008/09, Man City mua sắm hết 140 triệu bảng. Hè vừa qua, số tiền shopping của họ cũng lên tới 124 triệu bảng. Chắc chắn lượng tiền mà The Citizens dùng để bổ sung quân số trong mùa bóng này sẽ không dừng lại ở con số trên. Trước mắt, Man xanh đang nhắm đến hậu vệ Neven Subotic (Dortmund) và cầu thủ chạy cánh Di Maria (Benfica) cho kỳ chuyển nhượng mùa Đông. Để hai thương vụ trên thành công, nửa xanh thành Manchester sẽ phải chi không dưới 40 triệu bảng.
Thói quen mua sắm tràn lan khiến Man City luôn lỗ nặng. Tổng doanh thu của họ trong năm tài khóa trước chỉ ở mức 82,3 triệu bảng, nghĩa là còn ít hơn số tiền họ chi vào thị trường chuyển nhượng. Man xanh không giỏi kiếm tiền như kình địch cùng thành phố. Phần lớn số tiền họ kiếm được là từ bản quyền truyền hình (54,6 triệu bảng). Trong khi nguồn thu từ bán vé và các giá trị thương mại là rất nhỏ.
Không giống với những đội bóng đồng hương, Man City thua lỗ nhưng chẳng rơi vào tình trạng nợ đọng. Nói cách khác họ nợ các ông chủ Ả-rập chứ không phải ngân hàng. Nghĩa là Man City không phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Tuy nhiên rõ ràng tình trạng thua lỗ triền miên của CLB là nguy hiểm, bất chấp chủ nợ các đội bóng là ai.