Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mua sắm trực tuyến: Rủi ro rình rập

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù đã được cảnh báo nhiều, song số vụ lừa đảo trực tuyến vẫn không hề suy giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng trong thời gian gần đây với nhiều chiêu thức tinh vi hơn.

Quái chiêu lừa đảo qua mạng

Có không ít chiêu thức đã được kẻ gian áp dụng trên môi trường ảo. Đơn giản và phổ biến nhất là "nhận tiền không chuyển hàng". Trên diễn đàn Én bạc, một khách hàng than thở bị người bán "xù hàng" sau khi đã chuyển đủ tiền qua ATM để mua chiếc điện thoại Iphone 4 cũ với giá 7 triệu đồng. Tinh vi hơn, kẻ gian còn lập trên mạng một Shop có địa chỉ và thông tin của cửa hàng có thật, khi có khách liên lạc mua hàng, đối tượng lừa đảo sẽ nhắn khách chuyển khoản vào tài khoản người bán thực sự, còn bản thân cũng liên hệ với cửa hàng đó mạo danh là người đã chuyển khoản để đến lấy hàng. Với chiêu này, dù đã kiểm tra kỹ lưỡng thông tin, người mua vẫn bị mất tiền mà không nhận được hàng. Bên cạnh đó, tình trạng lừa đảo bán hàng không đúng mô tả hay hàng rao bán thật 100% nhưng khi nhận lại được hàng nhái, hàng lỗi… diễn ra khá phổ biến.

Không chỉ người mua bị lừa mà người bán cũng rơi vào tầm ngắm của nhiều đối tượng lừa đảo. Chị Hà Thu Lê, chủ một Shop Online trên diễn đàn Muare kể lại "phi vụ" bị một khách quen, dù chưa chuyển tiền nhưng vẫn liên tục giục chuyển hàng. Vì tin tưởng là khách quen, chị Lê đã gửi hàng trước. Thế nhưng, vài ngày sau vẫn không nhận được tiền, gọi điện lại không liên lạc được, chị Lê biết mình bị lừa. Vẫn biết mua hàng trên mạng cảnh giác không bao giờ thừa, nhưng trước các chiêu lừa đảo tinh vi thì… chỉ cảnh giác thôi vẫn chưa đủ.

Thống kê cho thấy, đa số người mua gặp rủi ro ở các diễn đàn, website rao vặt, nơi mọi người có thể đăng bán dễ dàng và không có thông tin kiểm chứng. Khi có rủi ro, các diễn đàn, website này không có trách nhiệm đứng ra bảo đảm quyền lợi cho người mua, người bán.

"Con sâu làm rầu nồi canh"

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban truyền thông của Hiệp hội Thương mại điện tử (TMĐT), những vụ việc lừa đảo trong thời gian qua chỉ chiếm khoảng 1% tổng số giao dịch mua sắm trực tuyến. "Nhưng dù chỉ có một "con sâu cũng làm rầu cả nồi canh". Mỗi vụ lừa đảo qua mạng dù lớn hay nhỏ đều ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp bán hàng chân chính, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT" - ông Bình chia sẻ.

Trước đây, để đánh giá uy tín của chủ shop, người mua được đề nghị là nên theo dõi topic xem các bình luận trước đó. Thế nhưng, cách này đang bị "vô hiệu hóa" bởi các chủ shop có thể tự lập nick ảo để đánh giá, bình luận tốt cho mình. Thậm chí, các gian hàng uy tín thực sự có thể bị đối thủ cạnh tranh bình luận, đánh giá xấu. Do vậy, lời khuyên khi mua hàng qua mạng là chọn thanh toán online qua Ví điện tử và Cổng thanh toán trung gian. Hiện trên thị trường xuất hiện khá nhiều các loại ví điện tử nhưng chỉ số ít được Ngân hàng Nhà nước cấp phép hoạt động như: NgânLượng.vn, Payoo, Vinapay...

Ngoài ra, một số sàn TMĐT ở nước ta đã cho ra mắt các chương trình đảm bảo giúp người mua nhận diện đơn vị bán hàng uy tín. Cục TMĐT và CNTT (Bộ Công Thương) có Chứng nhận website TMĐT uy tín TrustVn đánh giá sự tuân thủ của các website đối với các tiêu chí của tổ chức cấp chứng nhận. Các tiêu chí này được xây dựng trên cơ sở tham khảo ý kiến rộng rãi của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn có uy tín.

Việc cấp chứng nhận và gắn nhãn tín nhiệm cho doanh nghiệp bán hàng không chỉ mang lại sự tin tưởng cho người dùng khi giao dịch mua bán qua mạng, mà còn đem lại hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp, giúp bảo vệ những đơn vị làm ăn chân chính.