Ban đầu, làn sóng phản đối bùng phát tại Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 31/5, sau khi cảnh sát sử dụng hơi cay để giải tán một cuộc biểu tình hòa bình đòi chính quyền hủy bỏ kế hoạch phá một công viên ở dọc quảng trường Taksim tại Istanbul để xây dựng trung tâm thương mại. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, Công viên Gezi chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khi Thổ Nhĩ Kỳ đang trên bờ vực khủng hoảng chính trị. Cuộc đối đầu giữa "những người Hồi giáo mềm mỏng" thông qua đảng Công bằng và Phát triển cầm quyền, với những người ủng hộ một nước Thổ Nhĩ Kỳ cộng hòa thế tục truyền thống hậu Ottoman đã đạt tới đỉnh điểm. Mâu thuẫn này đã bắt đầu phát triển sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tham gia tích cực vào "Mùa xuân Ả Rập" và quyết định hỗ trợ các lực lượng chống chính phủ ở nước láng giềng Syria. Hiện, có ít nhất 50% người Thổ Nhĩ Kỳ không ủng hộ chính sách điều hành của Thủ tướng Erdogan.
Người biểu tình Thổ Nhĩ Kỳ lập rào chắn ở quảng trường Taksim. Ảnh: REUTERS
Mặc dù Tòa án Tối cao Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định đình chỉ việc thi hành dự án trên nhưng những người biểu tình cho biết sẽ không dừng lại cho đến khi Thủ tướng Erdogan từ chức. Bạo loạn gia tăng tại Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày qua được xem là thách thức lớn nhất đối với Thủ tướng Erdogan kể từ khi ông lên nắm quyền năm 2002, đặc biệt trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang rơi vào tình cảnh kinh tế hết sức khó khăn cộng thêm tình hình bất ổn từ nước láng giềng Syria khiến làn sóng người tị nạn tràn sang nước này.
Để xoa dịu tình hình và dọn đường cho cuộc vận động tranh cử Tổng thống vào năm sau, Thủ tướng Erdogan đã chỉ đạo Nội các phải tiến hành các bước đi tích cực. Phó Thủ tướng Bulent Arinc đã gặp những người tổ chức biểu tình hôm 5/6 và thậm chí thừa nhận rằng nguyên nhân gốc rễ sự bất mãn của họ - di chuyển công viên Gezi ở Istanbul là công bằng và hợp pháp. Tuy nhiên, rất có thể một tiến trình cải tổ chính trị sẽ diễn ra. Khi đó, người dân Thổ Nhĩ Kỳ phải đứng trước hai sự lựa chọn: Hoặc tiếp tục là một quốc gia thế tục, hoặc là đi theo con đường Hồi giáo. Sự xung đột giữa hai luồng tư tưởng này đã tạo ra sự căng thẳng mà có thể chỉ được lấp đầy với lực lượng thứ ba. Và tình hình của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phức tạp hơn khi lực lượng quân đội quyết định tham gia và các tổ chức Hồi giáo cực đoan từ Syria, Lebanon tràn vào.
Dù Thủ tướng Erdogan vẫn lên đường công du Marocco và Algeria như một động thái khẳng định tình hình trong nước đã được kiểm soát, nhưng nhiều người cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ phải chịu nhiều dư chấn của “Mùa xuân Ả Rập”. Và nếu không đưa ra một đối sách phù hợp, rất có thể Thổ Nhĩ Kỳ sẽ trở thành nạn nhân tiêp theo của phòng trào này.