KTĐT - Tổ công tác xử lý thông tin sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (Bộ KH-CN) cho biết, Trạm Quan trắc của Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã phát hiện đồng vị phóng xạ I-131 trong không khí.
Ông Đặng Thanh Lương - Phó Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho biết, nguồn gốc phóng xạ này nhiều khả năng từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima I thoát ra. Tuy nhiên, hàm lượng đo được rất nhỏ, không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6866:2001 quy định giới hạn liều đối với công chúng do ảnh hưởng của một cơ sở bức xạ hoặc cơ sở hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường là 1 mSv/năm (lấy trung bình trong 5 năm liên tục), trong 1 năm đơn lẻ không vượt quá 5 mSv. Kết quả đo nồng độ chất phóng xạ I-131 trong không khí của Trạm Quan trắc mẫu sol khí tại Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân vào ngày 28-3-2011 là 24,2 x 10-6 Bq/m3. Như vậy mức nồng độ này nhỏ hơn khoảng 500.000 lần so với giá trị giới hạn quy định trong TCVN 6866:2001 và không ảnh hưởng đến sức khỏe công chúng.
Cũng theo nhận định từ tổ công tác xử lý thông tin, việc khắc phục sự cố hạt nhân ở nhà máy Fukushima I vẫn còn diễn biến phức tạp như: rò rỉ phóng xạ qua hơi nước thoát từ lò phản ứng và bể chứa nhiên liệu đã cháy; hiện tượng nước nhiễm xạ ngập ở sàn tòa nhà tuốc bin vẫn chưa khắc phục được, do vậy công nhân chưa thể tiếp cận để sửa chữa máy móc, thiết bị. Tuy nhiên đã có những dấu hiệu tích cực trong kế hoạch ứng phó để sửa chữa các thiết bị làm lạnh tại các tổ máy.
Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ KH-CN Lê Đình Tiến, chuyên gia Nhật Bản Satoru Toshimitsu, Trưởng đại diện Văn phòng của Diễn đàn công nghiệp điện hạt nhân Nhật Bản, kiêm Trưởng đại diện Công ty Phát triển điện hạt nhân quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng, trừ trường hợp tiếp tục xảy ra động đất và sóng thần tại địa điểm nhà máy, còn không, với tình hình hiện tại, cùng với sự giúp đỡ của cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế và các nước khác, Nhật Bản có thể kiểm soát và hạn chế đến mức thấp nhất các hậu quả của sự cố hạt nhân tại nhà máy Fukushima I. Và có thể loại trừ được khả năng xảy ra vụ nổ hạt nhân tại các lò phản ứng như trường hợp của Chernobyl (Liên bang Nga năm 1986).