Mục tiêu kìm tỷ giá có thể đạt được

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 21/5, tỷ giá USD/VND được một số ngân hàng thương mại điều chỉnh ở mức tăng từ 5 - 10 đồng/USD chiều bán ra so với ngày hôm trước, trong khi trên thị trường tự do ở Hà Nội, tỷ giá đồng USD/VND lại tăng khá mạnh từ 40 - 80 đồng/USD cả ở chiều mua vào và bán ra.

Mục tiêu kìm tỷ giá có thể đạt được - Ảnh 1Bên hành lang Quốc hội ngày hôm qua, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh việc tăng tỷ giá này.

Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn tới việc tăng giá đồng USD trong thời gian qua?

- Việc tăng giá đồng USD là có tác động ảnh hưởng của hai yếu tố: Cung - cầu và tâm lý. Việc nâng giá đồng USD lên một bước là để cung - cầu sát lại. Bên cạnh đó, tâm lý của người Việt Nam, nhất là những người đang giữ VND là sợ giá USD tăng, nên họ tìm mua USD, giữ USD và không bán ra. Nếu giải quyết tốt vấn đề tâm lý sẽ hỗ trợ tích cực cho việc ổn định cung - cầu USD.

Là người công tác trong ngành ngân hàng đã khá lâu, ông đánh giá về khả năng Ngân hàng Nhà nước có thể giữ được mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay?

- Đến bây giờ có thể nói là chúng ta có khả năng làm được điều này. Lý do thứ nhất, lạm phát đang ở mức rất thấp, trước đây lạm phát lên tới 5% nhưng năm ngoái chỉ 1,8% và bây giờ có nhích lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Thứ hai là nền kinh tế đang phục hồi nên khả năng tăng trưởng tốt hơn, thu nhập cao hơn sẽ tạo dòng vốn quay trở lại lưu chuyển trên thị trường, dẫn tới sức ép về mặt tỷ giá thấp hơn. Thứ ba là các thị trường bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán... cũng đang dần dần phục hồi. Đây là nguồn cung cấp vốn dài hạn và đảm bảo dòng vốn trung chuyển lưu thông tốt hơn. Tất cả những yếu tố đó cộng với kinh nghiệm điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước thì khả năng giữ mục tiêu điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay là có thể đạt được.

Có ý kiến đang lo ngại rằng, khả năng cuối năm 2015, đầu 2016 chúng ta sẽ phải can thiệp tỷ giá một lần nữa. Ông nhận định như thế nào về khả năng này?

- Như tôi đã nói ở trên, nếu chúng ta giải quyết tốt cả vấn đề tâm lý và cung - cầu thì sẽ chủ động được ngay từ bây giờ. Thông thường vào cuối năm, hoạt động sản xuất, kinh doanh có chiều hướng tăng, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài cũng tăng nên sẽ giảm bớt căng thẳng ngoại tệ. Nếu cuối năm nay có sức ép về ngoại tệ, với dự trữ ngoại tệ lớn như hiện nay, chúng ta có thể can thiệp được. Nếu giữ được ổn định thì sang đầu năm tới có thể điều chỉnh tỷ giá khi cần thiết, vì đã vào mục tiêu của năm 2016. Còn nếu chỉnh tỷ giá ngay bây giờ hoặc tăng quá sẽ gây mất ổn định và niềm tin cho người dân và DN, bởi Ngân hàng Nhà nước đã cam kết điều chỉnh tỷ giá không quá 2% trong năm nay.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần