Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mục tiêu tăng trưởng không còn xa

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế đang tăng tốc khá nhanh khi tăng trưởng GDP quý III tăng 7,46% so với cùng kỳ, qua đó kéo tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng lên 6,41%.

Đây là tín hiệu tích cực để nền kinh tế hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm 2017.
Đó là nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) Nguyễn Bích Lâm tại buổi họp báo sáng 29/9 công bố số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2017.

Chất lượng tăng trưởng đã cao

Đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trên là lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,78%; dịch vụ tăng 7,25% và công nghiệp tăng 13,2% so với cùng kỳ. Trong đó, riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng 12,77%, đóng góp 2,15 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Đây là lần đầu tiên khu vực chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
 Sản xuất thiết bị điện tử tại Công ty TNHH Partron Vina. Ảnh: Trần Việt.
Liên quan đến những tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai có thể ảnh hưởng tới GDP như báo cáo của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đề cập, ông Nguyễn Bích Lâm cho hay, theo tính toán kịch bản báo cáo Thủ tướng, Tổng cục Thống kê đã lường trước được yếu tố này. Chẳng hạn, kịch bản nông nghiệp tăng 3,05%, nhưng nếu nông nghiệp không đạt được mức trên thì GDP vẫn có thể đạt được 6,7% nhờ các yếu tố xuất khẩu, chế biến chế tạo và khu vực dịch vụ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2017 tăng 0,59% so với tháng trước. Tính chung, CPI bình quân 9 tháng năm 2017 tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Các nguyên nhân đẩy CPI tăng do địa phương điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và tăng học phí.

Cũng theo ông Lâm, chất lượng tăng trưởng đã cao hơn. GDP quý sau đã cao hơn quý trước. Mức 7,46% quý III cao hơn nhiều so với mức tăng GDP của quý I là 5,15% và quý II 6,28%. Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư dự báo tính toán lúc đầu phải đạt 34% GDP (tức 1,82 triệu tỷ đồng) mới đạt được 6,7% tăng trưởng. Nhưng với chuyển biến rõ nét từ chế biến chế tạo, dịch vụ, vai trò của xây dựng không bị đặt nặng nữa. Do vậy, kể cả vốn đầu tư thấp hơn so với thực tế vẫn có thể đạt được. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng, chỉ cần trên 1,64 triệu tỷ đồng vốn đầu tư và kinh tế tăng trưởng bền vững hơn, dần dần không bị phụ thuộc vào vốn.

Tích cực triển khai nhiều giải pháp

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, với chính sách của Chính phủ, quan điểm của Nhà nước kiến tạo đã tác động thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả tăng trưởng. Tinh thần khởi nghiệp, niềm tin kinh doanh đang tăng cao khi thuận lợi trong đăng ký kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính… tạo môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn. Việt Nam đã tăng 5 bậc trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018, đầu tư nước ngoài tăng cao, xuất khẩu tăng mạnh.

Mặc dù vậy, bên cạnh những kết quả tích cực và tín hiệu khả quan, kinh tế 9 tháng đầu năm nay cũng còn những hạn chế, bất cập và đứng trước những thách thức không nhỏ. Trong số đó, đáng chú ý là tình hình thu chi ngân sách còn chậm khi thu ngân sách bằng 64,9% dự toán và chi ngân sách bằng 61,2% dự toán. Mặc dù vậy, chi thường xuyên đạt 623.000 tỷ đồng, bằng tới gần 70% dự toán. Do đó, cơ quan thống kê cho rằng cần tập trung chỉ đạo nhằm hoàn thành thu chi ngân sách.

Bên cạnh đó, một trong những thách thức lớn là tăng trưởng. Tăng trưởng công nghiệp - xây dựng là ngành động lực bị chậm lại so với cùng kỳ năm trước (9 tháng tăng 7,17% so với 7,68%). Ngành công nghiệp khai khoáng có tỷ trọng lớn thứ hai trong toàn ngành công nghiệp vẫn giảm sâu (giảm 8,1%). Tỷ trọng vốn đầu tư cho công nghiệp tăng và cao hơn tỷ trọng GDP của ngành này tạo ra, chứng tỏ suất đầu tư tăng trưởng của ngành này cao.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng tăng 6,41% nên để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm, quý IV tăng trưởng phải đạt 7,31% và đó là mục tiêu khá cao. Tốc độ tăng trưởng quý IV các năm thường ở mức trên dưới 7%, song với chỉ đạo tích cực của Chính phủ thì mục tiêu tăng trưởng GDP trong năm 2017 với 6,7% là có thể đạt được. Tuy nhiên cũng cần phải tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

"Định kỳ hàng tháng, quý, Ban chỉ đạo điều hành giá đều có đánh giá các tác động ảnh hưởng đến CPI, làm sao để thực hiện kiểm soát lạm phát diễn ra đúng kịch bản đề ra từ đầu năm là CPI bình quân cả năm tăng 4%. Về giá điện, đầu vào cho tất cả thành phần kinh tế nên nếu tăng giá điện sẽ làm cho GDP giảm xuống, và Tổng cục đã khuyến nghị Ban chỉ đạo điều hành giá năm nay tập trung vào tăng trưởng kinh tế nên không tăng giá điện trong năm nay." - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm