Có lãi vẫn nợ lương
Mùa giải 2015, HAGL là mô hình điểm cho bóng đá Việt. Bầu Đức từng khiến làng bóng đá nổi sóng khi tuyến bố, HAGL đã có lãi. Họ có nguồn thu trên 15 tỷ đồng trong năm 2015 và chỉ chi hết 12 tỷ đồng.
Phát biểu của bầu Đức làm nảy sinh những cuộc tranh cãi giữa các nhà quản lý bóng đá. Nhiều người nói bầu Đức đưa ra phát ngôn không có cơ sở khi làm khó các đội bóng khác, bởi kinh phí hoạt động trong một năm lớn hơn 12 tỷ đồng rất nhiều. Nhưng có ý kiến thì cho rằng, với việc tự đào tạo cầu thủ, khoản chi của bầu Đức thấp hơn các đội bóng khác là điều tất yếu.
Những cuộc tranh luận thì không bao giờ có hồi kết. Nhưng điều khiến dư luận quan tâm lúc này là việc HAGL - một đội bóng giàu có bậc nhất V.League lại nợ lương cầu thủ, người lao động trong tháng 1 và 2. Tất nhiên là sau khi báo chí đề cập, ban lãnh đạo đội bóng đã nhanh chóng hoàn thành trách nhiệm của mình.
Không chỉ có chuyện nợ lương cầu thủ dù công bố hoạt động có lãi, bầu Đức còn khiến dư luận đặt câu hỏi khi không cho đội bóng Hoàng Anh Attapeu tham dự giải vô địch quốc gia Lào. Có nguồn tin còn cho rằng, HAGL còn lên phương án giải thể đội bóng này.
Đa dạng nguồn thu
Từ câu chuyện không ai mong muốn ở HA.GL lúc này, dư luận cho rằng, những "tử huyệt" của nền bóng đá bắt đầu lộ ra. Ngay cả những đội bóng hùng mạnh nhất, ổn định nhất cũng vẫn đối diện với nguy cơ khủng hoảng nếu chẳng may tập đoàn chống lưng gặp vấn đề về tài chính.
Hay nói cách khác, một khi các ông bầu "hắt hơi, xổ mũi" thì bóng đá chính là mảng đầu tiên phải chịu rủi ro, thậm chí bị xóa bỏ. Đây không phải là câu chuyện xưa nay hiếm mà thường xuyên xảy ra ở Việt Nam khi các ông bầu nổi hứng thành lập đội bóng, nhưng khi chán, hoặc hết tiền thì xóa sổ nó cũng rất nhanh.
Các đội bóng nói riêng và nền bóng đá nói chung muốn tìm được sự phát triển bền vững chỉ còn một cách là phải tái cơ cấu. Họ phải tìm cho được một mô hình bền vững và phù hợp với bối cảnh bản thân các DN, doanh nhân vẫn chưa hiểu một cách đúng đắn về bóng đá chuyên nghiệp. Dựa vào nguồn lực từ địa phương đang là cách mà nhiều đội bóng hướng đến như: SLNA, FLC Thanh Hóa, Hải Phòng, Than Quảng Ninh…
Theo đó, nguồn kinh phí từ ngân sách cộng với hỗ trợ từ DN sẽ giúp các đội bóng hoạt động một cách ổn định và không đối diện với nguy cơ giải thể.
Thế nhưng, nhiều chuyên gia cho rằng, dựa vào bao cấp không phải là thượng sách của bóng đá. Dễ thấy nhất là nó không thể giúp các đội bóng vươn tới đỉnh cao, bởi khoản đầu tư chỉ dừng ở mức vừa phải.
Vậy nên, để hoàn thành tham vọng của mình, các đội bóng buộc phải đa dạng được nguồn thu thông qua chính sách khai thác giá trị gia tăng từ hoạt động thi đấu. Mà muốn kinh doanh được bóng đá thì thành tích phải tốt, mô hình phải chuyên nghiệp. Đây chính là bài toán khó, nhưng muốn tồn tại và phát triển một cách bền vững, buộc lòng các nhà quản lý bóng đá phải thay đổi.