Đặc sản vùng miền: Muốn ra thế giới phải vững sân nhà

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ Hội chợ đặc sản vùng miền mà Hà Nội vừa tổ chức cho thấy, nước ta có nhiều đặc sản gắn liền với những địa danh cụ thể, như bưởi Diễn (Hà Nội), vải Thanh Hà (Hải Dương), nem chua Thanh Hóa, dừa Bến Tre, gạo Cần Thơ...

Nhưng dường như chất lượng một số đặc sản đang dần bị mai một dẫn đến khó trụ vững ngay trên sân nhà.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Câu chuyện gạo nếp Tú Lệ, hay chè Suối Giàng của huyện Văn Chấn (Yên Bái) là một ví dụ. Hiện nay, rất nhiều người quan tâm, hỏi mua những sản phẩm này nhưng nhiều khi địa phương không có sẵn hàng, thậm chí chất lượng không được như quảng bá. Thực tế thời gian qua, hệ thống hạ tầng cho việc lưu thông hàng hóa của huyện vùng cao này đã có nhiều cải thiện nhưng do việc quảng bá còn hạn chế, dẫn đến sản vật làm ra vẫn khó khăn trong khâu tiêu thụ, giá bán lại không cao. Thực tế trên cũng là thực trạng chung của nhiều loại đặc sản.

Phong phú, hầu như tỉnh nào cũng có, thậm chí có những tỉnh có tới gần chục loại đặc sản, nhưng do chưa thực sự quan tâm tới đăng ký bảo hộ chất lượng, trong khi yêu cầu của hội nhập đòi hỏi các sản phẩm phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng đã khiến đặc sản vùng miền vẫn chỉ là tiềm năng. Trong bối cảnh sản vật Việt vẫn chưa thể đáp ứng yêu cầu hội nhập, vấn đề đặt ra là cần làm thế nào để tăng vị thế của các sản vật trên chính sân nhà trước khi vươn ra thị trường thế giới? Để làm được điều này cần có chiến lược lâu dài. Nhắc đến “đặc sản” đã bao hàm sự khác biệt và chất lượng, song nhìn vào sản phẩm vẫn chưa thể nói lên điều này. Bên cạnh đó, mỗi DN cần quan tâm xây dựng và quảng bá thương hiệu. Trong khi các cơ sở chế biến đặc sản thường nhỏ lẻ và không chú trọng đến vấn đề này, thời gian tới, cơ quan chức năng về xúc tiến thương mại sẽ đóng vai trò quyết định. Điều quan trọng nữa là cần tập trung đưa sản phẩm ra thị trường ở cả 4 kênh: Không xem nhẹ thị trường nội địa bởi chưa đứng vững trong nước không thể mong đưa đặc sản ra thế giới; tận dụng các hệ thống phân phối hiện đại để xuất khẩu ra các nước; quan tâm đến xuất khẩu tại chỗ thông qua hoạt động du lịch; cuối cùng là thông qua các DN làm xuất nhập khẩu để mở rộng thị trường.

Cùng với đó, vấn đề quan trọng không kém là phải tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng với các đặc sản. Mà muốn vậy, thu hút những “đầu tàu” là các DN lớn có tiềm lực về vốn, công nghệ bắt tay với các địa phương có đặc sản, bảo đảm chu trình khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm là việc cấp thiết hiện nay. Ngay với các chợ đặc sản, các DN lớn, có kinh nghiệm về xây dựng và quản lý chợ sẽ có nhiều lợi thế hơn. Và một điều rất đáng lưu tâm, đó là cần tạo liên kết vùng giữa các địa phương. Đây là bàn đạp để chiếm lĩnh thị trường trong nước trước khi vươn ra và chiếm lĩnh thị trường quốc tế.