KTĐT - Với đa số chúng ta, dẫu hèn hay sang, lúc Tết đến Xuân về, ai cũng muốn quây quần bên gia đình, người thân trong đêm trừ tịch, để hưởng trọn không khí đầm ấm, linh thiêng khi trời đất giao hòa. Cái thời khắc "tống cựu - nghinh tân" tạ từ tiết đông lạnh giá, đón mùa xuân ấm áp, với bao dự định và mơ ước. Ấy vậy mà giữa Hà thành đô thị, vẫn có những người bỏ qua thời khắc ấy lầm lũi mưu sinh hoặc chỉ để thỏa thú chơi "chẳng giống ai" của mình!
Từ "Đồ gàn - chơi ngông"…
Có lẽ nên dùng cụm từ ngông và gàn mới "đắt" khi nói về những ông, những anh, thậm chí là các chú em mới nghiêng tay tuổi nhưng đã làm ông đồ và độ gàn thì "thượng thừa". Gần chục năm trở lại đây, bắt đầu từ ngày ông Công- ông Táo chầu trời, vỉa hè Văn Miếu đã tràn ngập mực tàu giấy đỏ, ai có nhu cầu chữ nghĩa chơi Tết thì cứ ra đấy. Tuy nhiên đến chiều 30, đa phần đều cuốn chiếu! Nhưng với đám "đồ gàn", khi mọi người quây quần bên mâm cỗ chiều 30, họ mới xuất hiện ở vỉa hè phố Văn. Người yêu chữ hẳn đã nhẵn mặt những Tuấn "cống", Hải "đồ", Phúc "đồ"... Họ đều thuộc thế hệ 7x - 8x nhưng đã có thâm niên gần chục năm ở chợ chữ đêm Giao thừa. Chẳng cần lều chõng lích kích, cứ mỗi chiếu vài cụ, cũng áo the, khăn xếp, rồi mực, nghiên, bút lông giấy bản… Tám giờ tối đã bày hàng xong. Với dân tình, lúc này đang thời khắc của trà dư tửu hậu, chưa mấy người du xuân, các cụ tranh thủ gật gù chén anh chén chú. Tửu nhập, cao hứng lên phi mấy chữ dán lên tường gọi là làm hàng… Sau 9 giờ tối, lúc nam thanh nữ tú dập dìu du xuân, cũng là lúc các cụ bắt đầu có việc. Rồi khi chuông đồng hồ điểm thời khắc giao thừa cũng là lúc các cụ bận tối mắt mũi. Tất cả các ngả đường Hà thành lúc này gần như đều dẫn đến Văn Miếu... Người khó tính cứ bảo lớp trẻ bây giờ chỉ biết đến hip-hop, chát chít trên internet, điều đó chẳng sai, nhưng với đêm Giao thừa thì lại… sai! Dù có má phấn môi hồng, tóc xanh tóc đỏ gì đi chăng nữa thì khi ấy trên tay mấy người trẻ ai mà chẳng có Phúc có Đức, có học hành đỗ đạt… Cái sự xin - cho chữ nghĩa ấy chỉ tàn khi trời đã mờ sáng mồng Một.
Đến tò he, cành lộc
Phải nói rằng "mưu sinh đêm trừ tịch" là việc làm không dành cho nhiều người. Muốn kiếm ăn trong thời khắc ấy, bắt buộc ai cũng phải chút gì đó gọi là nghiệp vụ. Cho chữ phải thông Nôm, thạo Hán. Nặn tò he thì phải có nghề gia truyền. Bán mía phải có sức khỏe để thồ hàng…
Cái xe đạp và đồ nghề nặn tò he của ông Hảo (Phú Xuyên, Hà Nội) năm nào cũng vậy, cứ chiều 30 là có mặt ở khoảng giữa phố Văn Miếu. Bột nếp, phẩm mầu được nhào nặn kỹ lưỡng… Ngày thường bán tò he cho đám trẻ con thành phố, giỏi lắm cũng chỉ kiếm được trăm bạc, nhưng vào đêm giao thừa, mới là lúc những Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới "hô biến" ra tiền… Vì con trẻ và vì đầu năm mới, các bậc phụ huynh còn ai muốn kỳ kèo. Đối với nam thanh nữ tú, một bông hồng bằng… bột nếp tặng người yêu đầu xuân có giá 50 ngàn thì còn gì rẻ bằng! Vì vậy, sau mỗi đêm giao thừa, tuy có hơi mệt nhưng ông Hảo cũng kiếm kha khá tiền.
Còn bố con ông Thứ người Sơn Tây, đã hàng chục năm nay, cứ chiều 30 Tết, hai cha con lại lóc cóc đẩy xe mía vào nội thành, chờ đến giao thừa bán lộc ngọt cho thiên hạ. Trăm cây mía một đêm cũng lãi được tiền triệu, nhưng vận chuyển được từng ấy cũng mướt mồ hôi…
Sự đời cái gì cũng đều có giá của nó, nhìn cánh "đồ gàn" có thể ung dung vừa uống rượu, ngâm thơ, cho chữ dễ dàng kiếm bạc triệu trong đêm trừ tịch thấy có vẻ nhàn. Nhưng mấy ai biết để có chiếu ngồi ở chợ chữ thì cũng phải "mài đũng quần" hàng chục năm với mực tàu giấy bản. Để kiếm được tiền, những người bán mía từ 3h chiều đã phải gò lưng chở mía từ ngoại thành vào. Xem chừng, chiếc xe đạp với thùng đồ nghề nặn tò he của ông Hảo là nhẹ nhàng hơn cả. Với họ, dẫu cách này hay cách khác đều là mưu sinh, nhưng mưu sinh ở Hà thành trong đêm trừ tịch có điều gì đó vừa vui, vừa có chút nao nao lòng. Vui vì "lao động một đêm bằng làm cả tháng" (lời ông Thứ), vui vì cái chữ của mình đem lại niềm tin, hy vọng cho nhiều người ngày đầu xuân năm sớm (lời cụ đồ Tuấn "cống"). Nhưng cái buồn cũng le lói lẫn khuất đâu đó, cả năm chỉ có chiều 30 Tết và đêm Giao thừa để đại gia đình đoàn tụ ăn với nhau bữa cơm, uống với nhau chén rượu… Vậy mà ở cả cái thời khắc hiếm hoi ấy, họ vẫn ra đường để mưu sinh, để thỏa cái nghiệp của mình!