Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ đánh giá cao biện pháp bảo vệ doanh nghiệp của Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng có thể dẫn tới gián đoạn thương mại và buôn bán, bày tỏ hy vọng tất cả các bên kiềm chế và có những biện pháp hạ nhiệt tình hình.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington ngày 11/6, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Nguyễn Quốc Cường, đã có cuộc gặp với một nhóm lãnh đạo các doanh nghiệp Mỹ để trao đổi về Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và quan hệ Việt-Mỹ.

Phát biểu tại cuộc họp hàng năm của ban lãnh đạo Ủy ban Khẩn cấp thương mại Mỹ (ECAT), Đại sứ Nguyễn Quốc Cường hoan nghênh những tiến bộ đã đạt được trong cuộc họp của các Trưởng đoàn đàm phán TPP tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây và cuộc gặp sau đó của Bộ trưởng Thương mại các nước tham gia đàm phán TPP tại Singapore. 

Tuy nhiên, Đại sứ cho rằng vẫn còn nhiều việc phải làm, nhất là vấn đề tiếp cận thị trường. Đại sứ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Mỹ tiếp tục ủng hộ việc sớm kết thúc đàm phán và ký kết một hiệp định TPP công bằng.
Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) trở lại làm việc. (Nguồn: TTXVN)
Doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (Bình Dương) trở lại làm việc. (Nguồn: TTXVN)
Trong bài phát biểu, Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cũng thông báo tóm tắt về tình hình leo thang căng thẳng hiện nay ở Biển Đông do hành động đơn phương và bất hợp pháp của Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 (Haiyang Shiyou-981) vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam cùng với những hành động hiếu chiến của tàu bè Trung Quốc, trong đó có các tàu quân sự. 

Nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng có thể dẫn tới gián đoạn thương mại và buôn bán, bày tỏ hy vọng tất cả các bên kiềm chế và có những biện pháp hạ nhiệt tình hình.

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ cũng bày tỏ sự đánh giá cao các biện pháp toàn diện của Chính phủ Việt Nam nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối tính mạng và tài sản cũng như các quyền lợi và lợi ích chính đáng của các tổ chức, doanh nghiêp và cá nhân người nước ngoài ở Việt Nam. 

Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ hài lòng với việc tình hình ở Việt Nam đã trở lại bình thường, hầu hết hoạt động sản xuất và kinh doanh đã được khôi phục.

Tham dự cuộc họp hàng năm của ban lãnh đạo ECAT có đại diện của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Mỹ như General Electric (GE), General Motors (GM), Chrysler, Goldman Sachs, Citi, Target, PMI, Cargill, Aflac International, Hanesbrands…