Kinhtedothi - Bên cạnh loại hình du lịch tâm linh, từ nay đến năm 2030, Mỹ Đức sẽ phát triển du lịch làng nghề, nghỉ dưỡng để phát triển kinh tế - xã hội của huyện - ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức khá hồ hởi khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị về định hướng phát triển du lịch của huyện.
Ông Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức.
Thưa ông, loại hình du lịch tâm linh có được Mỹ Đức chú trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương?
- Du lịch Mỹ Đức đậm nét vẫn là du lịch tâm linh với lễ hội chùa Hương có thời gian dài nhất trong nước. Được coi là hoạt động kinh tế - xã hội trọng tâm, nên trước mùa lễ hội, huyện Mỹ Đức thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng ban. UBND huyện thành lập một ban tổ chức phân công đồng chí Phó Chủ tịch huyện làm Trưởng ban lễ hội và thành lập các tiểu ban khác để đảm bảo an toàn cho du khách và các hoạt động của lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, lịch sự.
Mỹ Đức cũng đầu tư về hạ tầng nên giao thông rất tốt. Do vậy, du khách sẽ thấy không còn tình trạng ách tắc giao thông ở quanh khu vực quần thể di tích chùa Hương, phương tiện vận chuyển đường thủy thông thoáng, kể cả cáp treo. Các chùa, đền, hang, động được giữ gìn tôn nghiêm, hoạt động tôn giáo đúng quy định pháp luật, không có tình trạng đốt vàng mã; Vệ sinh môi trường sạch sẽ, ATTP đảm bảo. Đặc biệt, trong suốt các tháng lễ hội, Công an TP có tăng cường lực lượng để đảm bảo giao thông, trật tự an toàn xã hội, phòng ngừa tiêu cực.
Suối Yến, xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội.
Du lịch chùa Hương được chọn mở màn cho hoạt động hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013, vậy xin ông cho biết hoạt động du lịch chùa Hương có thay đổi gì không?
- Năm nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền về lễ hội được quảng bá rộng rãi với những điểm nhấn để thu hút du khách về trẩy hội; công tác quản lý, tổ chức điều hành làm tốt hơn năm trước. Nhưng, mùa lễ hội năm nay, lượng khách đạt 1,5 triệu lượt, giảm một chút so với năm trước. Lý do bởi nền kinh tế bị suy thoái, đó cũng là tình trạng chung.
Theo ghi nhận của chúng tôi, mùa lễ hội chùa Hương năm 2013 vẫn có tình trạng người dân đi xe máy đeo bám mời chào khách đi đò, ATTP chưa thật sự được đảm bảo?
- Tôi muốn nói là mùa lễ hội chùa Hương này đã có bước đột phá về ATTP. 100% chủ cửa hàng ăn uống có tủ bảo quản thực phẩm. Trước thời gian lễ hội chúng tôi có tổ chức tập huấn cho những người trực tiếp chế biến thực phẩm ở các quán hàng, có khám sức khỏe, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP. Tôi thấy bà con nông dân làm ăn đàng hoàng hơn. Còn vấn đề chèo kéo khách đi đò cũng có, nhưng giảm nhiều so với trước. Việc này xuất phát từ cơ chế thị trường, mình khuyến khích phát triển nhiều thành phần nên có sự cạnh tranh. Thực ra, trong mùa lễ hội, chỉ ngày Chủ nhật là hết đò, còn những ngày thường đò còn thừa, nếu họ không đi mời thì không có việc. Mùa lễ hội này, đã có 138 lái đò dùng môtô bám đuổi mời khách bị xử phạt 13.530.000 đồng, thu giữ 11 xe môtô và yêu cầu ký cam kết không tái phạm.
Thưa ông, trong mùa lễ hội tới, Mỹ Đức có nên dùng vé điện tử thay cho vé giấy như hiện nay để tránh được tình trạng vé vứt trắng xóa ở những nơi soát vé?
- Nếu sử dụng vé điện tử, khách cần mang vé về lại không có. Vé giấy cũng là để khách tham gia du lịch có bảo hiểm; để những người lái đò thanh toán tiền chở khách với Ban quản lý di tích. Tôi thấy việc dùng vé điện tử tiện lợi nhưng lại không hay. Hiện chúng tôi đang tiến hành làm vé giấy có mã vạch, có hệ thống đọc để tránh tình trạng vé giả. Tôi khẳng định không có hiện tượng vé bay tơi tả bởi ở khu vực cổng xé vé đều bố trí các thùng nhựa để nhân viên soát vé bỏ vào.
Để nâng cao chất lượng hoạt động du lịch ở chùa Hương, những người lái đò là chủ thể đầu tiên trực tiếp giao tiếp với du khách, được tập huấn như thế nào thưa ông?
- Chúng tôi đã cùng với Sở VHTT&DL Hà Nội, giảng viên khoa Quản trị kinh doanh du lịch, ĐH Kinh tế Quốc dân bồi dưỡng cho bà con lái đò cách giao tiếp với khách, giới thiệu lịch sử và cảnh quan các điểm di tích, lộ trình tuyến đường đến các điểm… Cùng với đó, tổ chức tập huấn công tác quản lý, quy chế hoạt động lễ hội; trách nhiệm của khách, của người lái đò; tổ chức học Luật Giao thông đường thủy… Hiện nay, khu du lịch chùa Hương có 10 hướng dẫn viên địa phương phục vụ khách có nhu cầu.
Thưa ông, trong thời gian tới, Mỹ Đức có sự đa dạng trong phát triển loại hình du lịch như thế nào?
- Theo định hướng quy hoạch phát triển du lịch Mỹ Đức đến năm 2030, sẽ phát triển thêm một số loại hình du lịch khác như du lịch làng nghề (dệt tơ tằm, bông ở xã Phùng Xá, thêu ren…), du lịch nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái Tuy Lai. Mỹ Đức đang kêu gọi phát triển khu du lịch Quan Sơn theo hướng đa năng. Theo quy hoạch, khu này với diện tích 1.700ha, trong đó có 500ha mặt nước sẽ có hoạt động múa rối nước, trình diễn thời trang, phố đi bộ, ẩm thực, sân golf… Và một khu du lịch sinh thái ở Tuyết Sơn nằm trong quần thể Hương Sơn đã được TP chấp thuận cho một đơn vị nghiên cứu để xây dựng thành nơi nghỉ dưỡng vui chơi giải trí. Khi khu này được hoàn thành sẽ liên kết với chùa Tiên của huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) để tạo thành tuyến điểm du lịch. Cùng với đó là phát triển du lịch trên sông Đáy để du khách được tham quan đình, đền, chùa, cây đa, bến nước, sân đình, chiêm ngưỡng những khu vườn của người dân dọc hai bên bờ sông. Khi đi thuyền, khách còn được nghe các làn điệu dân ca, nghe hát chèo… rất hấp dẫn.
Dự án nào sẽ được ưu tiên triển khai trước, thưa ông?
- Đó là khu du lịch Quan Sơn. Hiện Chính phủ đã cho phép một tập đoàn đầu tư thuê một công ty lớn của Nhật Bản để khảo sát. Mỹ Đức sẽ phát triển du lịch làng nghề, bên cạnh đó là thu hút nhiều hơn lượng khác đến du lịch chùa Hương bằng việc cải thiện chất lượng phục vụ.
Theo ông, khi khu du lịch Quan Sơn đi vào hoạt động, việc kết nối tour tuyến sẽ được triển khai thế nào để phát huy hiệu qua?
- Từ khu du lịch Quan Sơn sẽ phát triển tuyến du lịch xuống Hương Sơn và ngược lên khu du lịch Tuy Lai, thị trấn Xuân Mai và đi về đường Láng - Hòa Lạc ra đại lộ Thăng Long. Cùng với khu du lịch chùa Hương, khu du lịch Quan Sơn và khu nghỉ dưỡng Tuy Lai phát triển, đương nhiên tỷ trọng và cơ cấu phát triển kinh tế của Mỹ Đức sẽ có thay đổi. Đồng thời tạo ra nhiều cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho người dân quanh vùng.
Xin cảm ơn ông!