Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ: Gái điếm "có giá" hơn gái ngoan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Lou Graham không chỉ là tú bà xuất sắc nhất ở Seattle thời kỳ đầu mà còn là một trong những cư dân giàu có nhất của thành phố.

KTĐT - Lou Graham không chỉ là tú bà xuất sắc nhất ở Seattle thời kỳ đầu mà còn là một trong những cư dân giàu có nhất của thành phố.

Gái mại dâm ở Mỹ hồi thế kỷ 19 từng giành được hầu hết các quyền tự do bị chối bỏ đối với gái ngoan.

Tác giả Thaddeus Russell nhấn mạnh điều này trong cuốn sách mới có nhan đề "Renegade History of the United States" (tạm dịch: "Lịch sử nổi loạn của nước Mỹ").
 
Gái bán dâm là những phụ nữ đầu tiên thoát khỏi cái mà những người bênh vực quyền bình đẳng cho nữ giới thời kỳ đầu ở Mỹ gọi là "hệ thống bắt phụ nữ làm nô lệ". Những gái bám dâm đứng đầu ngành công nghiệp tình dục, vươn lên trở thành các "tú bà", đã sở hữu nhiều tài sản hơn bất kỳ phụ nữ nào khác ở Mỹ. Thực tế, họ nằm trong số những người giàu có nhất nước, và đặc biệt ở miền Tây.

Những tú bà đình đám một thời

"Jessie Kim cương" Hayman bắt đầu làm gái bán dâm ở khu khai thác vàng dưới chân núi Sierra Nevada trong những năm 1880, sau đó chuyển tới San Francisco và trở thành một trong những lao động tình dục thành công nhất trong lịch sử thành phố này. Nhà thổ 3 tầng của Hayman ở quận Tenderloin thuộc San Francisco được trang bị 3 lò sưởi, một sa lông, một hầm chứa rượu sâm - panh, 15 buồng với đồ đạc nhập khẩu. Bà ta cung cấp cho mỗi nhân viên của mình một tủ quần áo trị giá 6.000 USD, bao gồm một áo khoác lông cáo, 4 bộ đồ may đo, 8 chiếc mũ, hai áo đuôi én dự dạ hội, 12 đôi giày, 12 đôi găng tay, 7 áo dạ hội và 7 áo ngủ.

Số tiền Hayman kiếm được từ công việc kinh doanh đủ để giúp bà ta mua nhiều lô đất trong thành phố. Sau khi trận động đất năm 1906 huỷ hoại phần lớn thành phố San Francisco, Hayman và các tú bà khác đã cung cấp thực phẩm và quần áo cho hàng ngàn người bị mất nhà cửa. Hayman qua đời năm 1923, để lại cơ ngơi trị giá 116.000 USD.

Jennie Rogers - "Nữ hoàng thế giới ngầm Colorado" từng sở hữu nhiều nhà thổ sang trọng ở Denver, nổi tiếng có lắp các tấm gương lớn từ sàn tới trần, đèn chúc đài pha lê, thảm trải nhập từ phương Đông, các bàn đá cẩm thạch và các cây đàn piano đồ sộ. Rogers cung cấp cho gái mại dâm dưới trướng của mình các thợ làm tóc và thợ may váy cá nhân, bảo đảm rằng họ nằm trong số những phụ nữ thời trang nhất thế giới. Lợi nhuận thu về của Rogers lớn đến mức bà ta có thể mua nhiều dải đất giá trị cao nhất của Denver cũng như nắm giữ vô số cổ phần của một dự án tưới tiêu và trữ nước vốn không chỉ cung cấp phần lớn lượng nước sử dụng cho thành phố mà còn giúp bà thu bộn từ cổ tức.

Đối thủ chính của Rogers là Mattie Silks, người nổi lên từ đội ngũ gái đứng đường ở Abilene, Texas và Dodge City, Kansas để trở thành một chủ chứa ở độ tuổi 19. Không lâu sau khi chuyển tới Denver năm 1876, Silks đã mua một dinh thự 3 tầng với 27 phòng và trang bị cho cơ ngơi này những đồ đạc tốt nhất sẵn có. Khách tới nhà thổ của Silks sẽ được một dàn nhạc giao hưởng chào đón tại sảnh chính.
 
Mỹ: Gái điếm "có giá" hơn gái ngoan - Ảnh 1
Mattie Silks trở thành một tú bà khét tiếng khi mới 19 tuổi.

Tú bà Silks cuối cùng đã mở thêm 3 nhà thổ khác và mua một lò luyện ngựa đua. Sau khi "rửa tay gác kiếm", rút khỏi ngành công nghiệp tình dục, Silks tiết lộ trên một tờ báo: "Tôi gia nhập đời sống thể thao chỉ vì các lí do kinh doanh. Đó là cách để một phụ nữ vào thời đó kiếm tiền và tôi đã làm điều đó. Tôi coi bản thân mình lúc đó và hiện tại là một doanh nhân". Các nhân viên của Silks, những người nằm trong số các phụ nữ có thu nhập cao nhất Mỹ, "đã tới với tôi với cùng lí do mà tôi đã thuê họ: tiền".

Các tú bà khác kiểm soát những phần chính của miền Tây. Ví dụ như, Eleanora Dumont đã mua bất động sản ở các thị trấn khai thác vàng và bạc ở vùng Rocky và Sierra Nevada, nơi bà ta thiết lập các nhà thổ, sa lông và sòng bạc đem lại lợi nhuận kếch sù. Josephine "Chicago Joe" Airey đã sử dụng doanh thu từ các nhà thổ của mình để mua một phần đáng kể bất động sản ở Helena, Montana trong những năm 1870 và 1880.

Lou Graham không chỉ là tú bà xuất sắc nhất ở Seattle thời kỳ đầu mà còn là một trong những cư dân giàu có nhất của thành phố. Graham tới Seattle năm 1888 và nhanh chóng mở một nhà thổ được trang hoàng không chê vào đâu được trong khu vực quảng trường Pioneer. Để quảng bá cho cơ sở của mình, Graham đã cùng các cô gái dưới trướng đi xe kéo diễu hành qua khắp các đường phố Seattle.
 
Graham cũng đầu tư nhiều vào thị trường chứng khoán và bất động sản, và theo một nhà sử học, đã trở thành "một trong những địa chủ lớn nhất ở tây bắc Thái Bình Dương". "Nữ hoàng của các giường Lava" còn dùng những số tiền lớn để giúp thiết lập hệ thống trường công lập ở Seattle và giúp nhiều gia đình thượng của thành phố tránh khỏi sự phá sản sau thời kỳ hoảng loạn 1893.
 
Anna Wilson - "Nữ hoàng thế giới ngầm Omaha" từng sở hữu số bất động sản đáng kể của thành phố. Cho tới cuối đời, tú bà này đã để lại cho thành phố một dinh thự gồm 25 phòng, sau này đã trở thành bệnh viện cấp cứu và trung tâm chữa trị bệnh truyền nhiễm hiện đại đầu tiên của Omaha.
 
Dường như không có người phụ nữ da đen nào giàu có và quyền lực hơn Mary Ellen "Mammy" Pleasant và Sarah B. "Babe" Connors ở Mỹ thế kỷ 19. Pleasant sinh ra là một nô lệ nhưng đã trở thành một trong những phụ nữ có ảnh hưởng nhất ở San Francisco thời kỳ đầu. Bà ta điều hành các nhà trọ, nơi những doanh nhân giàu có cặp kè với gái bán hoa.
 
Với lợi nhuận thu được từ nghề kinh doanh chính này, Pleasant đã đầu tư vào cổ phần ngành khai mỏ và cho vay lãi suất cao đối với tầng lớp thượng lưu ở San Francisco. Bà ta cũng đệ đơn kiện nhằm xóa bỏ việc phân biệt chủng tộc trên các xe chở khách công cộng của thành phố, biến mình trở thành "mẹ của phong trào nhân quyền" tại California.
 
Trong khi đó, các nhà thổ của Connors tại St. Louis nằm trong số những chốn ăn chơi được ưa chuộng nhất ở vùng Trung tây. Được biết đến như "Lâu đài" hoặc Cung điện", chúng nổi bật với các thảm trải sàn, thảm thêu trang trí, tác phẩm nghệ thuật và đèn chùm pha lê sang trọng. Phòng khách của Cung điện nổi tiếng vì sàn nhà được làm hoàn toàn từ gương kính.
 
Bản thân tú bà Connors cũng luôn trưng diện trang sức một cách tao nhã và gắn cả vàng và kim cương vào hàm răng. Rất nhiều những bài hát nổi tiếng nhất thuộc thể loại ragtime của người Mỹ da đen - tiền thân chính của nhạc jazz - do Letitia Lulu Agatha "Mama Lou" Fontaine, nghệ sĩ biểu diễn tại các nhà thổ của Connors, sáng tác.
 
Mỹ: Gái điếm "có giá" hơn gái ngoan - Ảnh 2
Ảnh minh họa.

Sự che chở của luật pháp

Các tú bà cao cấp không chỉ là những gái mại dâm duy nhất giành được sự giàu có. Một nhà cải cách trung lưu ở thành phố Virginia, Nevada, nhấn mạnh với sự khinh bỉ rằng gái mại dâm địa phương "luôn luôn ăn vận như những người giàu có nhất".
 
Các nhà sử học Blackburn và Ricards kết luận rằng, mặc dù gái mại dâm ở thành phố Virginia không phải là những người giàu có nhất tại nơi này nhưng họ "tích lũy số tài sản lớn hơn nhiều hầu hết khách hàng của họ. Thêm vào đó, so với những phụ nữ khác trong thành phố, gái bán hoa da trắng giàu có hơn hẳn.
 
Điều này là bởi vì không có phụ nữ lập gia đình nào và rất ít phụ nữ chưa kết hôn có tiền trong túi. Nếu gái bán hoa tới miền Tây để cạnh tranh kinh tế với những người đồng giới khác, họ chắc chắn thành công".

Tương tự, nhà sử học Paula Petrik nhận thấy gần 60% gái mại dâm làm việc ở Helena, bang Montana trong giai đoạn 1865 - 1870 "tuyên bố dồi dào về tài sản cá nhân hoặc bất động sản hoặc cả hai". "Những quý bà mua vui" của thị trấn cũng chiếm 44% giao dịch bất động sản do phụ nữ tiến hành và thâu tóm toàn bộ 20 tài sản cầm cố cho phụ nữ trong giai đoạn này. Ấn tượng hơn cả là thu nhập của gái mại dâm Helena so với các công nhân nam trong thị trấn. Petrik ước tính rằng thu nhập trung bình tháng của "một quý bà mua vui làm việc chăm chỉ dọc phố Wood" là 233 USD.

Ngược lại, thợ nề, thợ xây và thợ mộc kiếm được khoảng 90 - 100 USD, và ngay cả nhân viên ngân hàng cũng chỉ kiếm được 125 USD mỗi tháng. Hơn thế nữa, "so với thù lao 65 USD mà nhân viên bán hàng nữ có mức thu nhập cao nhất nhận được mỗi tháng thì thu nhập của gái mại dâm là vương giả". Vào một thời điểm khi những nhà hoạt động bình đẳng giới hàng đầu đang đòi chấm dứt sự phụ thuộc kinh tế của phụ nữ thì quận đèn đỏ ở Helena, theo lời của nhà sử học Petrik, là "ngành kinh doanh của phụ nữ đem lại cho họ của cải và tiền bạc".

Các nữ luật sư ngày nay có thể cũng phát hiện tổ tiên của họ có thể nằm trong số những tú bà miền tây, những người thường xuyên xuất hiện trước tòa thay mặt cho chính họ và thường thắng kiện. Theo tìm hiểu của nhà sử học Petrik, một số lượng lớn các vụ xét xử ở Helena là do gái bán hoa kiện một người khác "để giải quyết những tranh chấp nhỏ giữa họ mà các lãnh đạo Tenderloin cũng phải bó tay" hoặc "để đương đầu với những gã đàn ông đã tấn công, cướp bóc và đe dọa họ".

Trong một nửa số vụ liên quan đến khiếu nại của gái bán dâm chống lại một người đàn ông, "thẩm phán hoặc ban hội thẩm đã đứng về phía những phụ nữ thưa kiện". Petrik cũng khám phá ra "sự thiếu kiểm soát luật pháp đối với thương mại tình dục" ở Helena bất chấp sự xuất hiện tràn lan các nhà cải cách đạo đức.

"Các đại diện luật pháp đã không bắt bất kỳ phụ nữ nào vì tội bán dâm hoặc kiểm soát các nhà thổ lộn xộn trước năm 1986, ngay cả khi sở cảnh sát được đặt ngay tại quận đèn đỏ" và mại dâm đã trở thành một trụ cột chính của nền kinh tế thị trấn trong hai thập niên. Kỷ nguyên dung thứ luật pháp cũng trùng với giai đoạn các gái bán hoa ở Helena hứng chịu rất ít việc tự hủy hoại bản thân thường được cho là phổ biến đối với lao động tình dục.
 
"Không có gái mại dâm nào ở Helena chết vì chính bàn tay cô ta trước năm 1883". Và mặc dù gái mại dâm trong thị trấn là "những kẻ nghiện nặng rượu cồn và chất kích thích, không có báo cáo nào về việc gái mại dâm chết do chứng nghiện rượu hoặc dùng thuốc kích thích quá liều từ năm 1865 - 1883 ở Helena".
 
Một số tú bà lạm dụng nhân viên hoặc trói buộc họ làm công nhật, nhưng đây dường như là những chủ chứa ít thành công nhất.
 
Để thu hút phụ nữ tại các thị trường có tính cạnh tranh cao tại những thị trấn phát triển nhanh chóng ở miền tây, nơi các quận đền đỏ gần như luôn bao gồm rất nhiều nhà thổ, hầu hết các tú bà không chỉ trả lương cho nhân viên cao hơn nhiều so với thu nhập ở bất kỳ ngành nghề nào khác, mà còn cung cấp miễn phí các biện pháp tránh thai, chăm sóc y tế, hỗ trợ luật pháp, nhà ở và ăn uống cho nhân viên của mình. Chẳng có mấy lao động ngoài ngành công nghiệp tình dục Mỹ thế kỷ 19 được hưởng những phúc lợi như vậy.
 
Vào giữa thế kỷ 19, sự giàu có, quyền lực và sự hiện diện đông đảo của gái bán hoa đã khiến nhiều nhà cải cách đô thị cảnh báo về việc "đế chế mại dâm" đang đe dọa làm xói mòn mọi giá trị đạo đức tốt đẹp của quốc gia.
 
Các tú bà đã lãnh đạo "một vũ trụ thế giới ngầm" với "một cộng đồng bọn trộm thường có tổ chức và có luật pháp, quy định của riêng chúng" như George Foster đã viết trong cuốn tiểu thuyết "Celio hay thế giới ngầm và trên mặt đất của New York" xuất bản năm 1850.
 
Trong cuốn ghi chép báo chí "Phụ nữ của New York hay Thế giới ngầm của đại thành phố", George Ellington viết rằng, các tú bà là "những phụ nữ ác ôn nhất, những kẻ dường như đã mất hết nhân tính".
 
Tồi tệ hơn khi họ còn "có quyền tiếp cận xã hội tốt đẹp của thủ đô" với "những người bạn và người đồng hành được chọn lựa từ một số người đàn ông giàu có nhất và có học thức nhất thành phố".