Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ Latinh trong tâm “bão” tham nhũng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian gần đây, liên tiếp các nước châu Mỹ Latinh bị cuốn vào cơn khủng hoảng tham nhũng.

Điều này không chỉ khiến tiềm năng kinh tế của các nước sa sút mà còn biến khu vực này trở nên “bấp bênh” về mặt chính trị.
Cựu Quốc vụ khanh Bộ Kế hoạch, Đầu tư Công và Dịch vụ Argentina (giữa) bị cảnh sát bắt giữ.
Cựu Quốc vụ khanh Bộ Kế hoạch, Đầu tư Công và Dịch vụ Argentina (giữa) bị cảnh sát bắt giữ.
Ngày 16/6, mới hơn một tháng kể từ khi trở thành Tổng thống lâm thời Brazil vì Tổng thống đương nhiệm Dilma Rousseff bị đình chỉ do cáo buộc vi phạm quy định ngân sách quốc gia vào tháng trước, ông Michel Temer cũng “dính chàm” vì cáo buộc nhận tiền tham ô trong vụ bê bối khổng lồ của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras. Cụ thể, ông Sergio Machado - nguyên Chủ tịch Công ty Vận tải Transpetro, công ty con của Petrobras chuyên vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu khí, đã cung cấp cho cơ quan điều tra các đoạn băng ghi âm về việc ông Temer đề nghị nộp tiền ủng hộ chiến dịch tranh cử năm 2014. Ông Temer không phải là người duy nhất dính vào án tham nhũng Petrobras. Vụ bê bối tại Petrobras đã trở thành một “tâm bão” khổng lồ, kéo theo nhiều quan chức trong hệ thống chính quyền của Brazil “ngã ngựa”. Tổng cộng, 50 chính trị gia, trong đó có nhiều nghị sĩ và thống đốc bang, nằm trong diện bị điều tra. Làm việc với cảnh sát, ông Sergio Machado khai nhận, đã “ủng hộ” hơn 20 chính trị gia khác thuộc đảng Phong trào dân chủ Brazil (PMDB) của ông Temer. Trong đó có cựu Tổng thống José Sarney và cựu Bộ trưởng Kế hoạch Romero Jucá, mỗi người nhận gần 6 triệu USD.

Ngoài Brazil, vừa qua, ông Jose López - cựu Thứ trưởng Bộ Kế hoạch, Đầu tư công và Dịch vụ Argentina đã bị bắt khi đang tìm cách giấu 8,5 triệu USD tiền mặt. Cảnh sát cho biết, ông López đã có ý định hối lộ và hiện bị bắt giữ vì tình nghi rửa tiền và sử dụng vũ khí trái phép. Tuy nhiên, các nhà chức trách Argentina cho biết, số tiền cất giấu còn có thể tăng lên trong quá trình tìm kiếm. Ông López đã giữ chức Quốc vụ khanh Bộ Kế hoạch, Đầu tư công và Dịch vụ (tương đương Thứ trưởng) trong suốt 12 năm và có nhiệm vụ quản lý hàng tỷ USD đầu tư cho các công trình xây dựng cơ sở hạ tầng tại Argentina. Trong những tháng gần đây, thành viên của chính phủ tiền nhiệm cùng nhiều doanh nhân gần gũi với chính phủ liên tiếp đối mặt với việc điều tra do tình nghi dính líu tới tham ô và rửa tiền.

Hệ quả từ các bê bối kinh tế đã đặt các quốc gia này trong cơn khủng hoảng tồi tệ nhất từ trước đến nay. Brazil, từ nền kinh tế hàng đầu Nam Mỹ, đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát cao nhất trong 25 năm qua (10%) và GDP tụt thảm hại (3,8%) trong năm 2015. Nhiều người lo ngại, thảm kịch “nhãn tiền” mà các nước châu Mỹ Latinh có thể gặp phải có thể chính là tình trạng Venezuela - quốc gia láng giềng của Brazil đang gặp phải. Sụt giảm kinh tế do giá dầu trượt dốc, Venezuela hiện giờ khan hiếm lương thực trầm trọng, cướp bóc diễn ra khắp nơi, bất ổn liên tiếp do các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn.

Mỹ Latinh từng được Mỹ coi là “sân sau” giờ đang chìm trong cơn bấp bênh chính trị và kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Điều này phần nào khiến Mỹ trong thời gian gần đây đã buộc phải “xoay trục” sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhằm tìm kiếm sự ổn định về chính trị và kinh tế cho các hoạt động hợp tác bền vững.