Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ mạnh tay cắt giảm thâm hụt ngân sách

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mỹ - nền kinh tế mạnh nhất toàn cầu lại bị các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế cảnh báo về tình trạng "sức khỏe" khi nhiều bang trên bờ vực phá sản, nợ công cao kỷ lục và tháng thứ 28 liên tiếp bị thâm hụt ngân sách.

KTĐT - Mỹ - nền kinh tế mạnh nhất toàn cầu lại bị các chuyên gia và các tổ chức tài chính quốc tế cảnh báo về tình trạng "sức khỏe" khi nhiều bang trên bờ vực phá sản, nợ công cao kỷ lục và tháng thứ 28 liên tiếp bị thâm hụt ngân sách.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ, thâm hụt ngân sách trong tháng 1 đã tăng 16,8% so với cùng kỳ năm ngoái lên mức 49,8 tỷ USD. Nguy hiểm hơn là trong khi tổng chi tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tổng thu chỉ tăng 10,2%. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ cũng cho biết, thâm hụt ngân sách liên bang đã lên tới 1,5 nghìn tỷ USD, mức cao chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ. Dự báo, thâm hụt ngân sách sẽ ở mức 1,48 nghìn tỷ USD trong năm tài chính này, chiếm 9,8% tổng sản phẩm quốc nội Mỹ - giảm so với năm 2010 (10% GDP) nhưng vẫn ở mức cao.

Đảng Cộng hòa ngay khi vừa nắm quyền tại Hạ viện đã xây dựng hẳn một kế hoạch nhằm "ép" Tổng thống Barack Obama phải cắt giảm mạnh tay thâm hụt ngân sách. Mặc dù các quan chức và các chuyên gia kinh tế đều thống nhất cần có một kế hoạch cắt giảm thâm hụt ngân sách trong dài hạn nhưng lộ trình và tỷ lệ cắt giảm đang là nguyên nhân của các cuộc tranh cãi trên chính trường Mỹ thời gian qua. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ông Ben Bernanke đã kịch liệt phản đối cắt giảm ngân sách vì cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ còn quá yếu ớt nên cần phải có sự hỗ trợ đặc biệt từ phía Ngân hàng Trung ương trong vấn đề rót tiền để kích thích đầu tư.

Trong bối cảnh kinh tế Mỹ phải đối mặt với nhiều khó khăn, Giám đốc ngân sách Nhà Trắng Jack Lew, hôm 13/2 đã công bố Kế hoạch ngân sách năm 2012. Theo đó, chính quyền của Tổng thống Obama sẽ cắt giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 1,1 nghìn tỷ USD trong 10 năm. Theo kế hoạch này, bằng những nỗ lực cắt giảm triệt để trong nửa cuối nhiệm kỳ của mình, thâm hụt ngân sách liên bang sẽ giảm xuống khoảng 3% GDP, từ mức 9,8% hiện nay.

Nhà Trắng dự kiến sẽ nhận được 2/3 khoản tiền 1,1 nghìn tỷ USD tiết kiệm từ cắt giảm và 1/3 từ nguồn thu thuế. Con số này cao hơn 400 tỷ USD tiết kiệm mà ông Obama đã nêu trong Thông điệp Liên bang trước đó. Kế hoạch ngân sách này được đánh giá là bước đi khá bất ngờ vì từ trước tới nay, ông Obama luôn ủng hộ quan điểm đẩy mạnh chi tiêu để kích thích nền kinh tế. Các chuyên gia cho rằng, để dọn đường cho cuộc bầu cử năm 2012, Tổng thống Obama đang điều chỉnh dần các chính sách điều hành đất nước nhằm có thêm lợi thế trước các đối thủ. Tuy nhiên, các thành viên Đảng Cộng hòa vẫn cho thế là chưa đủ và cam kết sẽ thúc đẩy cắt giảm sâu hơn trong chi tiêu. Đảng Cộng hòa vốn kiểm soát Hạ Viện nhận xét, kế hoạch đề xuất cắt giảm của Tổng thống Mỹ không đủ để kiềm chế thâm hụt đang ngày càng tăng, đồng thời hứa hẹn, kế hoạch của họ sẽ đi xa hơn.