Mỹ - Taliban ký thỏa thuận lịch sử

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều tuần giảm bạo lực tại Afghanistan, Mỹ và lực lượng Taliban hôm 29/2 đã ký một thỏa thuận lịch sử, có thể mở đường kết thúc cuộc chiến lâu nhất của quân đội Mỹ.

 
Thỏa thuận được ký kết tại Doha, Qatar, bởi Đặc phái viên của Mỹ về hòa giải Afghanistan Zalmay Khalilzad - nhà đàm phán chính của Mỹ trong các cuộc đàm phán với Taliban - và Mullah Abdul Ghani Baradar - nhà đàm phán chính của Taliban. Ngoại trưởng Mike Pompeo chứng kiến ​​lễ ký kết.
"Thỏa thuận mang lại hòa bình cho Afghanistan" phác thảo một loạt các cam kết từ Mỹ và Taliban liên quan đến các cấp độ quân đội, chống khủng bố và đối thoại nội bộ Afghanistan, nhằm mục đích mang lại "một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn và toàn diện".
"Đây là một khoảnh khắc đầy hy vọng, nhưng mới chỉ là khởi đầu", ông Pompeo nói trong một cuộc họp báo ở thủ đô Qatar hôm thứ 7. "Rất nhiều nhiệm vụ khó khăn phía trước trên mặt trận ngoại giao".
Theo văn bản thỏa thuận, Taliban sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan với các bên vào ngày 10/3/2020".
Thỏa thuận đưa ra thời hạn 14 tháng cho việc rút tất cả các lực lượng quân sự của Mỹ, các đồng minh và các đối tác liên minh, bao gồm tất cả các nhân viên dân sự phi ngoại giao, nhà thầu an ninh tư nhân, cố vấn và nhân viên dịch vụ hỗ trợ.
Giai đoạn đầu của việc rút quân là 8.600 quân - diễn ra trong vòng 135 ngày. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng bất kỳ sự thu hẹp nào về sự hiện diện của quân đội Mỹ sẽ là hoạt động có điều kiện.
"Đây là cách chúng tôi sẽ đảm bảo rằng Afghanistan sẽ không bao giờ đóng vai trò là căn cứ cho những kẻ khủng bố quốc tế", Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố tại lễ ký kết.
Trả lời báo giới hôm 29/2 tại Washington, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ gặp gỡ cá nhân với các nhà lãnh đạo Taliban ngay sau khi thỏa thuận được ký - "có thể là vào tuần tới tại Mỹ", một nguồn tin thân cận với Taliban nói với CNN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần