Mỹ - Trung vẫn còn “chặng đường dài” tiến tới chấm dứt hoàn toàn thương chiến

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giới phân tích cho rằng chặng đường để cả Mỹ và Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn cuộc chiến thương mại vẫn còn rất dài vì vẫn còn rất nhiều khó khăn.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump và Trung Quốc vừa tuyên bố tạm “đình chiến” cuộc tranh chấp thương mại kéo dài 15 tháng qua. Tuy nhiên, những bất đồng chính khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt chính sách thuế quan trị giá hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa của nhau hiện vẫn chưa được giải quyết.
Hôm 11/10, Mỹ cho biết đã đạt được thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" với Trung Quốc. Theo đó, Washington đồng ý hoãn tăng thuế đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD, dự kiến chính thức có hiệu lực từ 15/10. Đổi lại, Bắc Kinh đồng ý mua khoảng 50 tỷ USD hàng nông sản của Mỹ và siết chặt quy định bảo vệ sở hữu trí tuệ.
 Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc gửi lá thư của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp tại Nhà Trắng hôm 11/10.
Giới chức Mỹ ngày 11/10 hứa hẹn rằng thỏa thuận "giai đoạn 1" với Trung Quốc liên quan đến hàng loạt xung đột, từ tài sản sở hữu trí tuệ tới tiền tệ, sắp diễn ra. "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận về nhiều chủ đề và chúng đang chờ được viết ra", Tổng thống Mỹ Donald Trump nói với các phóng viên ở Nhà Trắng hôm 11/10 sau cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc tại Washington. "Có thể mất ba tuần, 4 tuần hoặc 5 tuần", ông Trump nói.
Mặc dù không có văn bản nào được ký kết sau vòng đàm phán thứ 13 kéo dài từ ngày 10-11/10 tại Washinton, song kết quả này đang đem lại những hiệu ứng lạc quan đối với cả Mỹ và Trung Quốc, vì đây là dấu hiệu cho thấy bất đồng trong vấn đề thương mại đã được thu hẹp. Washington và Bắc Kinh nhấn mạnh rằng thỏa thuận một phần vừa đạt được sẽ tạo nền móng cho hai bên tiến tới một thỏa thuận lớn hơn.
Timothy Keeler, cựu giám đốc của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đánh giá: “Hai bên đã cố gắng giảm leo thang căng thẳng. Thỏa thuận thương mại một phần giúp ích cho cả Mỹ và Trung Quốc vì hai bên đều ý thức được sự thiệt hại nặng nề khi trả đũa lẫn nhau”.
Với tín hiệu lạc quan trên, giới quan sát vẫn đánh giá một cách thận trọng khi nói rằng chặng đường để cả Mỹ và Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn xung đột thương mại vẫn còn rất dài vì vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Trước hết, đó là thỏa thuận lần này chưa được văn bản hóa. Các nhà đàm phán Mỹ và Trung Quốc cho đến nay đã đạt được thỏa thuận về mặt nguyên tắc và hiện chưa có tài liệu nào được ký kết chính thức. Điều này cũng có thể đem lại những nguy cơ tiến trình thương lượng điều khoản chi tiết bị kéo dài hơn so với kế hoạch và dẫn đến những cản trở đối với các nỗ lực hàn gắn.
Thứ hai là Mỹ và Trung Quốc đã không thảo luận những vấn đề gai góc nhất trong vòng  đàm phán cấp cao tại Washington trong tuần này, mà đồng ý để lại trong các giai đoạn đàm phán sau. Mâu thuẫn giữa hai bên liên quan đến Huawei được nhận định là rất khó giải quyết vì liên quan đến cả yếu tố an ninh, vì vậy đã bị gác lại trong lần đàm phán này.
Thứ ba là mối đe dọa leo thang căng thẳng vẫn đang “treo lơ lửng” khi chính quyền Tổng thống Trump vẫn chưa từ bỏ kế hoạch áp thuế bổ sung 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới - quyết định có thể không chỉ gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của các công ty Trung Quốc trong lĩnh vực hàng tiêu dùng mà còn đối với cả người tiêu dùng tại thị trường Mỹ.
Bên cạnh đó, những chủ đề gai góc khác như những cáo buộc rằng Trung Quốc ép buộc các công ty nước ngoài phải chuyển giao bí mật thương mại nhằm đổi lấy quyền tiếp cận thị trường, Mỹ liệt 28 công ty và cơ quan Trung Quốc vào "danh sách đen" với lý do vi phạm quyền của người thiểu số theo đạo Hồi, Mỹ hạn chế visa đối với một số quan chức chính quyền, tất cả có thể là những "ngòi nổ" làm bùng phát những tranh cãi cũng như các màn trả đũa lẫn nhau từ hai phía.
Nhà kinh tế Greg Daco tại trung tâm Kinh tế Oxford nói rằng thỏa thuận lần này chỉ có “hiệu quả vô cùng nhỏ”, vì theo ông, bản chất của nó vẫn chỉ là “thỏa thuận một phần”, thiếu một cơ chế vận hành thực sự và không giải quyết những bất đồng cơ bản. Đối với các DN, thỏa thuận này mang ý nghĩa là giảm chút ít thiệt hại chứ không phải đem lại sự ổn định trên diện rộng.
Mặc dù vẫn còn khó khăn, không thể phủ nhận đây là một thỏa thuận thành công, cho phép Mỹ  và Trung Quốc tránh được leo thang xung đột thương mại trong thời gian trước mắt. Ông Craig Allen - chủ tịch Hội đồng DN Mỹ - Trung đánh giá thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước tiến đáng khích lệ”. “Chúng tôi chờ đợi thông tin về cách thực hiện, thời điểm cụ thể, cũng như chi tiết về việc lên lịch cho các giai đoạn tiếp theo” – ông Allen cho hay./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần