Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Mỹ và EU - mối quan hệ “bấp bênh”

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bên cạnh việc phải đối phó với những hệ quả sau khi Anh rời khối, cuộc chiến chống khủng bố, Liên minh châu Âu (EU) còn “đau đầu” trước các chính sách gây tranh cãi của Tổng thống Donald Trump.

 Quốc kỳ nước Mỹ (phải) và Liên minh châu Âu (EU).

Giới chức EU không thể không bất an khi chính phủ các nước thành viên vẫn chưa thể thống nhất lập trường về quy mô và mức độ hợp tác với chính quyền của ông Trump. Trong nội bộ EU cũng có nhiều quan điểm trái ngược về chính sách của tân Tổng thống Mỹ, nhất là trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy đang lan tràn khắp các nước khu vực châu Âu.

Điển hình như trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Pháp năm 2017, với cam kết “Nước Pháp lên trên hết” lấy cảm hứng từ khẩu hiệu "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump cùng những cam kết vận động tranh cử nặng tính chủ nghĩa dân tộc, ứng cử viên Marine Le Pen - lãnh đạo đảng cực hữu Mặt trận quốc gia (FN) đang được xem như một “Donald Trump của Pháp”. Với sự tụt lại phía sau của ứng cử viên nặng ký nhất Fillon vào giai đoạn nước rút, cuộc đua tranh chiếc ghế Tổng thống Pháp hiện nay gần như là “cuộc đua tay đôi” giữa bà Le Pen và ứng cử viên tự do Emmanuel Macron. Nếu bà Le Pen giành chiến thắng trong cuộc đua vào Điện Elysée, EU sẽ phải đối mặt với một "ly hôn" khác do ứng viên này cam kết sẽ để Pháp rời Liên minh. 

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk đã gọi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump là một trong những hiểm họa “khó lường” đối với EU. Ngoài mối nguy do quan điểm dân túy, bảo hộ thương mại, đối phó với cộng đồng đạo Hồi mà ông Trump đang "reo rắc" cho các chính trị gia tại Pháp, Đức muốn giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử quan trọng năm nay, EU còn phải đối mặt với hiểm họa lớn chưa từng có kể từ khi Hiệp ước Rome được các nước châu Âu ký kết vào năm 1957, đánh dấu sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế châu Âu (tiền thân của EU). Bởi, chính sách di trú “gây tranh cãi” của ông Trump sẽ khiến EU trở thành nạn nhân đầu tiên và lớn nhất, do lượng người tị nạn từ những quốc gia Hồi giáo buộc phải từ bỏ “giấc mơ Mỹ” quay sang tìm kiếm tương lai tại miền đất hứa ở Lục địa già.

Những diễn biến này khiến mối quan hệ đồng minh truyền thống giữa Mỹ và EU với nhiều quyền lợi gắn bó chặt chẽ với nhau trở nên “bấp bênh” chưa từng có. Nguyên nhân là do trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng vừa qua, đa số các nước thành viên EU đánh cược vào chiến thắng của bà Hillary Clinton và điều này khiến ông Trump không khỏi khó chịu. Ngay cả khi ông Trump đã trở thành chủ nhân của Nhà Trắng, chính giới Pháp và EU cũng không ngần ngại thể hiện sự bất mãn với tân Tổng thống Mỹ. Nhật báo Libération mỉa mai “Trump – ai có thể ngăn ông ấy lại?” và “các nước khu vực có thể ngăn ngay những hành động của Tổng thống doanh nhân và truyền hình thực tế lại?”. Ngoài ra, bất đồng giữa 2 đồng minh về việc duy trì hay thu hẹp quy mô chương trình trừng phạt Nga cũng nới rộng thêm khoảng cách giữa hai bên. 

Trước sự chuyển biến theo hướng tiêu cực trong quan hệ giữa Mỹ và EU, các nhà phân tích cảnh báo, giới chức EU đang đối mặt với một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất từ trước tới nay của Lục địa già. Theo đó, EU sẽ phải chuẩn bị sẵn tinh thần để tìm kiếm những đối tác kinh tế mới tại châu Á, châu Phi khi tân Tổng thống Mỹ tiếp tục đưa ra các chính sách có thể phá hủy trật tự kinh tế toàn cầu.