Myanmar: Các nghiệp đoàn kêu gọi "đóng cửa kinh tế" phản đối cuộc chính biến

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các tổ chức công đoàn lớn của Myanmar đã kêu gọi “đóng cửa kinh tế” từ ngày 8/3 nhằm phản đối cuộc chính biến của quân đội từ ngày 1/2.

Trong một thông báo, 9 tổ chức đại diện cho người lao động Myanmar kêu gọi "tất cả người dân" ngừng làm việc trong một nỗ lực nhằm yêu cầu lực lượng quân đội khôi phục nền dân chủ tại nước này sau cuộc chính biến hôm 1/2.
Người biểu tình núp sau những tấm khiên tự chế khi đối mặt lực lượng an ninh ở Bagan hôm 7/3.
"Tiếp tục các hoạt động kinh doanh và duy trì nền kinh tế như bình thường... sẽ chỉ có lợi cho quân đội trong khi họ đang kìm nén sức lực của người dân Myanmar", liên minh 9 công đoàn tuyên bố. "Đã đến lúc chúng ta hành động để bảo vệ nền dân chủ. Chúng tôi kêu gọi... đóng cửa hoàn toàn nền kinh tế trong thời gian dài" - tuyên bố của 9 tổ chức nghiệp đoàn Myanmar nêu rõ.
Lời kêu gọi từ các công đoàn được đưa ra ngay sau khi hàng chục nghìn người biểu tình khắp Myanmar trong ngày Chủ nhật, đánh dấu một trong những ngày biểu tình lớn nhất.
Ngày 7/3, cảnh sát Myanmar đã bắn đạn hơi cay để giải tán cuộc biểu tình với hàng chục nghìn người tham gia tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai, trong khi các cuộc biểu tình được tổ chức ở ít nhất 6 thành phố khác, cùng để phản đối cuộc chính biến hồi tháng trước.
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra tại Mandalay khi người biểu tình ngồi im lặng trong hai phút để vinh danh những người chết vì bạo lực cảnh sát, quân đội. Họ ngồi dưới những chiếc ô với những tấm biển ghi "Hãy trả tự do cho các lãnh đạo được bầu của chúng tôi".
Quân đội Myanmar gần đây liên tục điều lực lượng tới các thành phố lớn để ngăn những cuộc biểu tình chống đảo chính chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Người dân Myanmar vẫn quyết tâm xuống đường phản đối chính phủ quân sự bất chấp đã trải qua "ngày đẫm máu", khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có cả trẻ em.
Liên Hợp quốc cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã làm thiệt mạng 50 người trong nỗ lực dập tắt các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày ở quốc gia Đông Nam Á kể từ khi quân đội lật đổ và bắt giữ nhà lãnh đạo được bầu Aung San Suu Kyi vào ngày 1/2./.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần