Chính phủ Myanmar vừa thành lập Ban Trung ương về Chống rửa tiền gồm 15 thành viên do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Myanmar đứng đầu. Chức năng của cơ quan này là giám sát, phát hiện các hành vi rửa tiền, đồng thời xây dựng chính sách phòng chống rửa tiền và đấu tranh ngăn chặn việc tài trợ cho các phần tử khủng bố.
Myanmar sẽ phải nhờ tới các chuyên gia và trợ giúp về kỹ thuật đến từ các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong cuộc chiến chống lại tội phạm rửa tiền. Các chuyên gia quốc tế dự kiến sẽ đến Myanmar vào tháng tới để thảo luận về các vấn đề liên quan.
Mới đây, Cơ quan Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm nhận định: “Lợi ích tài chính từ nhiều dạng buôn lậu khác nhau tại Myanmar đã khiến nạn rửa tiền trở nên phổ biến, cùng với nạn mua chuộc các viên chức, gây biến dạng nền kinh tế hợp pháp và đe dọa sự ổn định”.
Tháng 3/2014, Myanmar đã ban hành Luật phòng, chống rửa tiền mới, đồng thời tăng cường hợp tác với Thái Lan, Indonesia và Australia trong cuộc chiến chống rửa tiền và khủng bố. Giới chức nước này hiện đang tích cực ngăn chặn những hành vi đó thông qua việc triển khai các dự án thí điểm về việc thu thập số liệu về hoạt động rửa tiền trên toàn quốc.
Từ năm 2003 đến nay, hơn 70 vụ rửa tiền ở Myanmar đã được cơ quan chức năng phát hiện và làm rõ, với tổng số tiền lên tới 200 triệu USD, chủ yếu liên quan đến các trường hợp dính líu tới buôn bán ma túy. Myanmar đã trở thành thành viên của Nhóm châu Á - Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG) vào năm 2006.
Quốc gia Đông Nam Á này là nước sản xuất thuốc phiện thứ hai thế giới sau Afghanistan và hiện phải đối mặt với nạn buôn lậu đủ loại, từ gỗ cho đến tệ nạn buôn người trái phép trong vùng Tam giác vàng (giáp ranh với Lào và Thái Lan, trung tâm buôn lậu ma túy xưa nay) hay với Trung Quốc và Ấn Độ.
Ảnh minh họa.
|