Sự trợ giúp của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) chưa đủ để dập tắt nguy cơ khủng hoảng nợ công biến thành khủng hoảng xã hội và thể chế trong khu vực. Vào những ngày cuối năm này, các nhà lãnh đạo khu vực đã buộc phải gia tăng nỗ lực và có những hành động mang tính quyết định nhằm tránh nguy cơ để “căn bệnh nợ công" châu Âu đẩy thế giới vào một cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới. Trên bình diện quốc gia, cuộc khủng hoảng nợ công bùng phát với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tại Hy Lạp, đó là hậu quả của nhiều năm quản trị tài chính công yếu kém và chi tiêu bừa bãi, trong khi tại Ireland, nguyên nhân chính là do sự mất kiểm soát hoạt động cho vay của một số ngân hàng. Trên bình diện khu vực, cuộc khủng hoảng có nguồn gốc sâu xa là chế độ phúc lợi được thiết lập từ sau Đại chiến thế giới thứ II theo hướng "chi nhiều hơn thu." Thói quen kéo dài nhiều thập kỷ này khiến các chính phủ châu Âu dễ dàng vay mượn để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, song sự “vung tay quá trán” không tương ứng với tốc độ tăng trưởng kinh tế đã đẩy “lục địa già” vào tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước và nợ công cao ngất ngưởng. Trong năm qua, người ta đã nói nhiều tới nguy cơ tan rã của khu vực đồng euro. Các chuyên gia dự báo rằng nếu kịch bản đó xảy ra, ngay cả trong trường hợp chỉ có một thành viên yếu nhất rời khỏi khu vực này, thì hậu quả cũng đủ lớn để gây ra sự hỗn loạn. Còn trong trường hợp khu vực đồng tiền chung châu Âu tan vỡ toàn bộ hoặc tổng thể, có nghĩa là sẽ hình thành một nhóm nước sử dụng đồng mác (Đức) và một nhóm khoảng 10 thành viên quay lại đồng tiền quốc gia cũ, khi đó hậu quả sẽ khủng khiếp hơn nhiều. Một số chuyên gia còn đặt giả thuyết nếu Italy và Tây Ban Nha rút lui khỏi khu vực đồng euro, một cuộc đổ vỡ có hệ thống sẽ xuất hiện trong các tổ chức tài chính lớn khắp châu Âu và Bắc Mỹ, và hệ lụy là một cuộc suy thoái toàn cầu kéo dài. Cuộc khủng hoảng nợ công còn đe dọa sự tồn tại của các thể chế ở châu Âu. Một số nước đã gây sức ép đòi thay đổi Hiệp ước Lisbon cho dù EU đã phải mất rất nhiều công sức mới đạt được sự đồng thuận về văn bản pháp lý này. Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị cải tổ Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan lập pháp của EU, và tăng thêm quyền lực cho Hội đồng châu Âu như một người cầm lái có khả năng tiên lượng, quyết định và can dự nhằm giải quyết tốt hơn mọi cuộc khủng hoảng có thể xảy ra. Người ta cũng nói nhiều tới nguy cơ cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu có thể châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng xã hội. Đợt bạo loạn mùa hè vừa qua ở Anh là dấu hiệu về một cơn thịnh nộ đang âm ỉ trong xã hội kể từ khi chính phủ nước này thực hiện hàng loạt biện pháp cắt giảm ngân sách, khiến đời sống của tầng lớp trung lưu và lao động ngày càng khó khăn. Các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà nhiều nước châu Âu đang áp dụng đã trở thành “giọt nước tràn ly” làm gia tăng tâm lý bất mãn trong dân chúng. Chẳng thế mà các cuộc biểu tình và tuần hành diễn ra rầm rộ ở Hy Lạp, Tây Ban Nha và một số nước khác suốt thời gian qua. Những mâu thuẫn, bất mãn ở châu Âu như "quả bom hẹn giờ" chỉ chờ kích hoạt là bùng nổ. Trước những nguy cơ hiện hữu trên, EU đã cố gắng làm những gì có thể để đưa khu vực đồng euro qua khỏi “cơn bạo bệnh”, từ việc mở rộng quy mô và quyền hạn cho Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm dựng "bức tường lửa" ngăn chặn bệnh nợ công lan rộng cho tới việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bất ngờ mua trái phiếu chính phủ của những nước gặp khó khăn về tài chính. Thủ tướng Italy và Hy Lạp đã buộc phải từ chức do không tìm được lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong khi một loạt nước quyết định tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn với hy vọng một thổi luồng gió mới cho các nỗ lực cắt giảm thâm hụt ngân sách và giải quyết nợ công. Liệu khu vực đồng euro có vượt qua “cơn bạo bệnh”? Liệu thế giới có rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mới? Điều đó chỉ có thể phụ thuộc vào những nỗ lực và quyết tâm mạnh mẽ cũng như sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các nước châu Âu. Chắc chắn cuộc khủng hoảng nợ công sẽ còn “đeo bám” châu Âu trong thời gian tới và năm 2012 có thể sẽ là năm quyết định số phận đồng euro./.